Nhà báo Hồng Vinh – Truyền lửa chính luận!

Giữ lửa là một chuyên mục trên báo Nhân Dân, như tên ba tập sách, là chuyên mục Vấn đề tháng này trên báo Nhân Dân hằng tháng; ra đời theo gợi ý của các tổng biên tập tiền nhiệm: Hoàng Tùng, Hồng Hà và ông đã được tín nhiệm “gác” chuyên mục này, trong suốt 22 năm!

Các Tạp chí thường xuyên đăng tải bài PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Khác với hai tập Giữ lửa trước (Nxb Văn học, tập I – năm 2014, tập II – năm 2017), Giữ lửa(tập III – năm 2019, cùng Nxb Văn học) của nhà báo, nhà thơ, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, có hai điểm khác, làm tôi bất ngờ và thú vị. Thứ nhất, đọc xong gần 500 trang sách đầy đặn, không giống hai tập trước (chỉ tập hợp những bài thể luận), tập III còn cho thấy một cây bút tài hoa, đa phong cách, “quét” được nhiều thể loại báo chí tưởng khó dung hòa, với 57 bài (Phần I), gồm xã luận, chuyên luận (30 bài), phóng sự, bút ký, trả lời phỏng vấn (27 bài),… Thứ hai, thú vị vì nhận ra, ngoài một Hồng Vinh là nhà quản lý báo chí, chỉ đạo báo chí, nhà báo với hơn 50 năm tuổi nghề, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, còn có một Hồng Vinh – nhà thơ ân nghĩa, chân tình, một hồn thơ đau đáu với cuộc đời, đắm đuối với thơ, qua lăng kính các nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà thơ (25 bài), cùng 29 bài thơ của tác giả được phổ nhạc (Phần II).

Giữ lửa là một chuyên mục trên báo Nhân Dân, như tên ba tập sách, là chuyên mục Vấn đề tháng này trên báo Nhân Dân hằng tháng; ra đời theo gợi ý của các tổng biên tập tiền nhiệm: Hoàng Tùng, Hồng Hà và ông đã được tín nhiệm “gác” chuyên mục này, trong suốt 22 năm!

Chuyên mục Vấn đề tháng này được viết ở dạng thể luận (xã luận, bình luận, chuyên luận) – một dạng thể khó viết trong nghề báo, đòi hỏi không chỉ tri thức, tầm nhìn và ý thức nhạy bén thời sự – chính trị trong cách tiếp cận, phân tích vấn đề, mà còn cả sự dài hơi trong cách nghĩ, cách “nuôi”, cách viết, bày tỏ cả thái độ và tâm huyết của người viết. Cái khó của chính luận là tạo được sức hấp dẫn trong việc phân tích sự kiện và đánh giá, dự báo, định hướng chính trị từ các sự kiện đó một cách thuyết phục.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Không nhiều nhà báo, tờ báo giữ được, nuôi được một chuyên mục lâu như thế, vững bền như thế, nếu không có “lửa nghề” và “tay nghề” như nhà báo Hồng Vinh. Hai năm trước, khi đọc hai tập Giữ lửa (I và II), tôi đã mượn hai chữ thật đắc dụng “Lửa báo” và “Hơi văn” (chữ dùng của nhà báo lão thành Phan Quang), để viết bài Nhà báo Hồng Vinh – Người giao hòa “lửa báo” với “hơi văn”. “Lửa báo” của Hồng Vinh chính là nhiệt huyết, là tính định hướng của người viết trong từng bài luận chỉ chừng trên dưới 500 chữ, đề cập một cách nóng hổi một vấn đề thời sự, trọng tâm của đất nước trong tháng. “Hơi văn” trong tác phẩm của Hồng Vinh là cảm xúc chính trị, mạch văn tùy bút chính luận, là cách diễn đạt thuyết phục của một nhà báo – nhà thơ…Tôi phát hiện ra bí quyết để ông giữ được và truyền được nhiệt huyết “lửa báo” ấy tới độc giả trong ngần ấy năm: Thứ nhất, đưa tư liệu mới, cách nhìn, cách tiếp cận mới vào những đề tài cũ, đề tài lặp lại; và, Thứ hai, cách viết gần gũi, thuyết phục, viết ngắn, chính trị mà không lên gân, thời sự mà không thô mộc.

Nhà báo Phan Quang gọi những bài luận của Hồng Vinh trên chuyên mục Vấn đề tháng này là các bài viết “gọn gàng, nhỏ nhẹ”. Tôi nghiệm ra, gọn gàng vì gói được những ý tưởng lớn, định hướng lớn trong một bài viết nhỏ (chừng 500 chữ). Nhỏ nhẹ vì tác giả viết như một lời bộc bạch, kể chuyện, gửi gắm…

Trong Giữ lửa (tập III), những bài được chọn trong chuyên mục Vấn đề tháng này trên Nhân Dân hằng tháng, thực chất đó là thể loại xã luận được viết ngắn và mềm mại hơn (theo lời tác giả). Nhà báo Phan Quang từng đánh giá (tập I và II), đây là “những chính luận có giá trị”, “những công trình nghiên cứu công phu”, “đầy thông tin cập nhật và có định hướng xử lí vấn đề sáng rõ”.

PGS.TS  Nguyễn Hồng Vinh giao ban Hội nghị Việt Nga

Từ góc nhìn nghiệp vụ báo chí, các bài luận ở tập III có 3 điểm nhấn:

Thứ nhất, sự vận dụng nhuần nhuyễn tri thức lý luận vào phân tích tình hình thực tiễn.

Viết chính luận không thể thiếu cơ sở lí luận, vận dụng lí luận. Cái khó là vận dụng như thế nào để không lên gân, gượng ép; khó nữa là đạt tới sự nhuần nhuyễn. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh có cách viết mềm mại, uyển chuyển khi ông vận dụng lý luận vào những bài viết thể luận. Chẳng hạn, bài “Xốc tới với ngọn lửa Tháng Tám”. Tác giả đã khéo léo, tự nhiên như lời bộc bạch khi trích dẫn V.Lê-nin: “Thực tiễn cách mạng nước ta từ ngày lập nước 2-9-1945 đến nay – là minh chứng sinh động tổng kết thiên tài của V.Lê-nin: Giành chính quyền đã khó; giữ chính quyền còn khó bội lần!”(tr.19). Hoặc khi cần cơ sở lí luận để luận chứng cho vấn đề chống tham nhũng, tác giả đã thuần thục trích dẫn, kết nối các tư tưởng lớn: “Nhà triết học Đan-te tổng kết ba điều nổi bật: kiêu ngạo, ghen tị và tham lam, chúng sẽ thiêu cháy lòng người. Vì vậy, chúng ta càng hiểu sâu xa vì sao trước lúc từ giã cõi đời này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo cuối cùng đăng báo Nhân Dân – đó là bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (tr.20). Một sự kết hợp và trích dẫn nhuần nhuyễn, thuyết phục, không hề lên gân.

Thứ hai, viết chính luận hay bút ký, ghi chép, tác phẩm đều đầy ắp chi tiết, tư liệu. Luận điểm rõ ràng, luận cứ thuyết phục, luận chứng sắc sảo…là những yêu cầu cơ bản cần có cho một tác phẩm chính luận. Nhiều bài luận của Hồng Vinh, yếu tố luận chỉ là sự kết nối, phát triển ý, còn sức thuyết phục, sức nặng lại nằm ở chính những ngồn ngộn con số, tên đất, tên người, tên sự kiện… được gọi lên, được đặt cạnh nhau. Có thể tìm thấy điều này qua những bài: “Tiếp nối lý tưởng Tháng Mười” (tr.67), “Tạo động lực mới để phát triển kinh tế bền vững” (tr.71), “Thêm nhiều bông hoa đẹp” (tr.83), “Phấn chấn, tự tin bước vào năm 2018” (tr.119), “Thắp sáng tình yêu và trách nhiệm “trồng người” (tr.122), v.v…

Những bút ký, ghi chép của ông cũng là những mạch cảm xúc được trải dài theo những câu chuyện sinh động. Bút ký “Hình ảnh Bác Hồ trên đất nước hoa hồng” (tr.22), là sự tái hiện hành trình 5 ngày Bác Hồ thăm Bun-ga-ri như mới hôm qua, thông qua tư liệu lịch sử, là kể lại câu chuyện, chứ không phải chép lại tư liệu. Bài ghi chép “Nhà lãnh đạo mẫu mực, người tâm huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam” (tr.31), kể lại một cách giản dị, chân thực, sinh động những câu chuyện đầy tình cảm thân thương, những việc làm tâm huyết đầy ắp tình người, tình đồng chí của Tổng Bí thư Đỗ Mười dành cho sự nghiệp báo Đảng. Nhà báo Hồng Vinh đã vượt qua được cái khó của nhiều tác giả khi viết về các nhà lãnh đạo thường để sự kiện lấn át chi tiết, thừa cảm xúc mà thiếu thông tin…

Ở những bài trả lời phỏng vấn, dễ nhận thấy những nhận thức, quan điểm nghề nghiệp đậm tính nhân văn của một người làm công tác chỉ đạo báo chí, quản lí báo chí, công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Trả lời phỏng vấn của báo Đại Đoàn kết, ông bộc bạch: “Làm báo bao giờ cũng có một nguyên lí là phản ánh chân thật, trung thực sự việc, sự kiện. Nhưng làm báo còn có mấy chữ “nên” và “không nên”, đó là khi thấy sự thật nhưng có nên nói lúc này không và nói ở thười điểm nào, mức độ nào cho thích hợp… Khi phản ánh thì phải cân nhắc mức độ, liều lượng” (tr.57, 58); “Đối với người làm quản lí báo chí – xuất bản có tính chỉ đạo, phải hiểu rất sát thực tiễn đời sống…; cần có kĩ năng giải quyết giữa nguyên tắc và thực tế sao cho hài hòa…” (tr.62, 63)

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh và Nhà báo Phan Quang

Thứ ba, ngôn ngữ biểu đạt sâu, sắc và mạnh.

Tôi thích cách đặt tít trong nhiều tác phẩm của Giữ lửa (tập III)Đó là những tít ngắn, sử dụng động từ mạnh, vừa giàu thông điệp báo chí, vừa gợi mở nguồn mạch cảm xúc: “Xốc tới với ngọn lửa Tháng Tám” (tr.18), “Đột phá của đột phá” (tr.92), “Bứt phá mùa xuân” (tr.126), “Những miệt vườn thấm đẫm nhân văn”(tr.165); “Biến cơ hội thành hiện thực” (tr.306) – bài viết một tháng trước khi sách in ra …Những tít bài khái quát cao, biểu đạt sâu: “Tri thức dồi dào, nghĩa tình sâu nặng” (tr.103) viết về nhà báo Quang Đạm; “90 xuân – Một người thầy” (tr.128) viết về Nhà giáo Nhân dân Phan Hữu Dật, v.v… Những đoạn kết với ngôn ngữ thắp sáng lòng tin yêu con người và cuộc sống (tr.171).

Là người làm thơ, ông đã thổi hồn thơ đúng lúc, đúng chỗ vào những bài viết tưởng như khô khan nhất mà ông trình bày tại các cuộc hội thảo, hội nghị (tr.95), v.v…

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh  với thầy giáo cũ GS Phan Hữu Dật ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Phần II của cuốn sách tập hợp 25 bài viết, 25 góc nhìn của đồng nghiệp về hai tập thơ “Thơ và dấu ấn cuộc đời” và “Xanh mãi”. Mảng bài này như một lời lý giải, lời khẳng định về mối quan hệ gắn bó giữa báo và văn trong sự nghiệp làm báo – làm văn của Hồng Vinh: “Chắt mật ngọt cho văn từ nghề báo”, “Với tôi là người làm báo, nên càng thấy thơ là bạn đồng hành thân thiết, giúp tư duy nâng tầm khái quát, giúp trang viết có hồn sâu…” (tr.336).

 Khép lại tập sách với 57 bài viết đa phong cách của tác giả Hồng Vinh, 25 góc nhìn trân trọng của đồng nghiệp, cùng với 183 bài luận (Tập I và II), thấy rõ sự giao hòa “lửa báo” với “hơi văn”. Đạt tới thành công, bởi tác giả kết hợp được sự nhạy bén chính trị với tay nghề vững vàng trên nền cảm xúc cách mạng của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm và hồn thơ vời vợi yêu thương.

Các cây bút xã luận, bình luận…, đọc 3 tập Giữ lửa chắc sẽ được truyền lửa chính luận cho nghề./.

                                                                             Hà Nội, 15.8.2019

TS. Nhà báo Trần Bá Dung

Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ

Hội Nhà báo Việt Nam