Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 8

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 8 (kỳ cuối)

Lăn lóc với thi cử cốt để khẳng định mình, chứ người Nam Định hiếu học hoàn toàn không nhằm mục đích làm quan to hay phô trương bằng cấp với thiên hạ. Mà là bằng thật chứ không phải bằng giả. Thật. Bởi sau khi đỗ còn phải qua khảo thí, mà đích thân nhà vua ra đề và trực tiếp xem quyển hoặc nghe đối đáp.

Trần Bích San đỗ Tam nguyên. Phúc thí quyển của ông được đích thân vua Tự Đức phê: “Tuổi trẻ mà đỗ liền Tam nguyên là hiếm có… Đó là điều may mắn cho nước nhà”. Khi vinh quy nhà vua còn ban cho lá cờ thêu bốn chữ: “Liên trúng Tam nguyên”.

Tuy nhiên người Nam Định học mong để hiểu đạo, hiểu luật, hiểu đời sống cho có nghĩa là chính. Trong lễ tang Hoàng giáp Phạm Văn Nghị trước đông đảo các bậc khoa bảng chức sắc và quyền quý đến dự với đồ phúng viếng và câu đối viết sẵn. Bỗng có một ông già dáng vẻ nghèo khó nhưng cốt cách tĩnh tại, không đem lễ vật gì, chỉ xin một nén hương vào viếng. Mọi người có vẻ coi thường. Vái xong ba vái ông già ứng khẩu đọc đôi câu đối:
“Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc
Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đới sầu nhan”.
Dịch là:
“Xưa nghèo nghĩa buồm nhân, cửa Độc Bộ cồn lên sóng giận
Nay sương giá băng đông, chốn Hoa Lư ảm đạm cây sầu”

Câu đối hay quá, chỉnh quá, ý tứ cao đạo mà sâu sắc, có cả tâm sự và thế sự, tình người và tình đời khiến quan khách đều lộ vẻ kính phục trân trọng mời ngồi, nhưng ông già chỉ cúi đầu đáp lễ rồi lặng lẽ ra đi. Đất hiếu học ra ngõ gặp nhân tài là thường. Học, đi thi, đỗ, hoặc không lại quay về vừa làm vừa học, rồi lại đi thi và lại về vừa làm vừa học. Coi học là nghiệp, là đạo, say mê và tôn thờ. Bởi thế sự học là vô cùng, từ đời này tiếp đời khác không bao giờ nản, không bao giờ ngưng nghỉ.
Đó là đặc trưng hiếu học của người Nam Định.

Muốn hiếu học trở thành đạo phải biết khuyến học. Đó là tôn vinh những người học rộng tài cao (chết thì thờ cúng ở văn miếu, văn chỉ, đền, phủ. Sống thì kính trọng) cùng với sự ưu đãi vật chất nhằm xác lập động cơ, mục đích, ý chí, niềm say mê, môi trường học tập mong sống có nghĩa, có ích cho Tổ Quốc, cho cộng đồng xã hội, cho gia đình dòng tộc và cho bản thân.

Theo bia “Nam Định trấn Văn Miếu” thì từ năm 1822 một khu thờ Khổng Tử được xây dựng tại địa phận xã Gia Hoà, tổng Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc thành phố Nam Định). Năm 1833 được tu sửa to đẹp hơn gồm Khuê Văn Các, Tiền Đường, Hậu Cung, khung gỗ lim, lợp ngói mũi nhọn, cửa bức bàn. Hậu Cung thờ Khổng Tử, bốn gian còn lại thờ Tứ phối là Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tử Tư. Phía tây là đền Khải Thánh thờ thân phụ và thân mẫu Khổng Tử. So với Văn Miếu ở Thăng Long về quy mô và hình thức không thua kém mấy. Hàng năm vào tháng tám các quan chức đầu tỉnh từ Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Đốc học và các bậc văn thân đều hiện diện tổ chức tế Khổng Tử rất tôn nghiêm trọng thể cổ vũ, động viên các thầy cô giáo và học sinh trước thềm niên học mới. Khi Pháp đánh chiếm Nam Định Văn Miếu hư hại nặng và tới năm 1946, trong cuộc toàn quốc kháng chiến thì bị phá hoàn toàn nay chỉ còn vết tích.
Dưới Văn Miếu hàng tỉnh, các làng, các họ có Văn Chỉ, Văn Từ thờ Khổng Tử, Tứ phối và những người trong làng trong họ đỗ đạt. Tên tuổi họ được khắc lên bia đá dựng ở nơi trang trọng. Nhờ việc tôn sùng sự học như thế mà số người học giỏi, đỗ đạt tăng lên. Với mục đích trọng người hiếu học nên tại Văn Chỉ, Văn Từ không nhất thiết phải đỗ đại khoa mà chỉ cần giỏi hoặc thi đỗ cũng được tôn thờ. Mới biết ông cha ta xưa coi sự học là trọng chứ không lấy bằng cấp là đích như ngày nay. Thật là sáng suốt. Bởi ngay như Khổng Tử, thần thông quảng đại, trí lự uyên bác, đức độ cao siêu thuộc hàng thánh nhân mà ngài có bằng cấp học vị gì đâu. Kể cả Bác Hồ của chúng ta cũng thế. Hiếu học không đồng nghĩa với chạy theo bằng cấp, danh vị. Có như thế học mới được coi là đạo của mọi người.
Ngoài Văn Chỉ, Văn Từ thờ Khổng Tử, Tứ phối và các vị đỗ đạt trong làng, trong họ Nam Định còn nhiều đền thờ các vị khoa bảng đức cao vọng trọng của tỉnh như đền thờ các Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh các tiến sĩ Đặng Phi Hiển, Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê…

Những người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng đều được các chức sắc và nhân dân nô nức đi đón rước từ Dinh Tổng đốc với cờ trống nghi vệ rất long trọng, được cấp đất sử dụng miễn thuế đến hết đời. Từng địa phương còn những quy định riêng như: ai đi học được miễn trừ các phu dịch, ai thi đỗ từ nhất nhị trường được xếp trên lý trưởng, ai là thầy giáo sẽ được làng làm nhà cho ở, trích hai mẫu ruộng để vợ con thầy cày cấy không phải chịu thuế (thường phụ huynh đến làm giúp vì con cái họ không phải nộp học phí). Có nơi còn dành đất làm “Quỹ học điền” lấy tiền chi tiêu cho việc học trong làng, trong xã.

Bằng nhiều cách làm như thế đã tạo ra môi trường giáo dục sôi động, sâu rộng, làm cho người người hiếu học, nhà nhà hiếu học, cả dòng họ, cả làng xã, phủ huyện hiếu học… Hiếu học được mang ý nghĩa tôn kính. Điều đó phần nào lý giải vì sao Nam Định còn được coi là “Đất khoa bảng”.

Lịch sử thi cử thời phong kiến từ 1075 đến 1919 Nam Định có 83 vị đỗ Đại khoa: 5 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 2 Thám hoa, 1 Đình nguyên, 13 Hoàng giáp, 43 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ) và 16 Phó bảng. Nam Định có 31 người được ghi tên trên bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội và 15 vị được ghi tên trên bia đá dựng tại Văn Miếu – Huế. Xuân Trường là huyện có số người đỗ cử nhân cao nhất tỉnh, tiếp đến Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thuỷ.Xét phạm vi toàn quốc Nam Định là địa phương có đông người đỗ đạt cao và là “đất địa linh” sản sinh nhiều “nhân kiệt” cho đất nước.

Là vùng đất cổ từ thời Hùng Vương, 22 lần thay đổi địa danh, ngày nay có tên là tỉnh Nam Định. Thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hoà, kinh tế phồn thịnh, người đông, dân trí cao, phong thuỷ đẹp, thế “Lưỡng long chầu hải”.

Vị trí quan trọng, là lá chắn và hậu cứ của Kinh đô Thăng Long; nơi khởi nghiệp của nhà Đinh; phát tích của triều Trần; là bàn đạp chiến lược để Hoàng đế Quang Trung tấn công Thăng Long “Phù Lê, diệt Trịnh” và đánh tan giặc Thanh xâm lược. Đáng là chốn địa linh.

Chốn địa linh này đã sinh ra không ít nhân kiệt. Có một làng, quê 14 vua và là nơi phát tích triều Trần chói lọi vinh quang đó là làng Tức Mặc; có những người nói lời bất hủ mãi mãi vang vọng lịch sử và trở thành di sản vô giá của nền văn minh Đại Việt là Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng; có vị vua đầu tiên tu hành đắc pháp hoá Phật trở thành Phật Hoàng là Trần Nhân Tông; có trạng nguyên trẻ nhất lịch sử khoa bảng phong kiến là Nguyễn Hiền; có làng nhiều người đậu tú tài nhất cả nước là làng Hành Thiện; có nhà toán học đầu tiên viết sách lý luận đặt nền móng cho cho toán học Việt Nam là Lương Thế Vinh; có chí sĩ yêu nước mở đầu phong trào Nam Tiến giải phóng Tổ Quốc là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, có nữ kiệt anh hùng là bà Lương Minh Nguyệt…

Các nhân kiệt mang đặc trưng tiêu biểu phẩm giá nhân cách người Nam Định. Đó là: đặt “Tổ Quốc trên hết!” sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc; luôn hướng tới tâm thiện, lòng nhân và coi hiếu học là đạo.
Suy ra đó cũng là đặc trưng tiêu biểu phẩm giá nhân cách người Việt Nam ta.

Quê Nam Định và NGƯỜI NAM ĐỊNH là hai khái niệm.
Quê Nam Định phải hiểu Nam Định và sống theo phẩm giá nhân cách NGƯỜI NAM ĐỊNH mới được coi là NGƯỜI NAM ĐỊNH. Nếu không chỉ quê Nam Định chứ chưa phải NGƯỜI NAM ĐỊNH.

Cũng như gốc Việt Nam phải hiểu Việt Nam và sống theo phẩm giá nhân cách NGƯỜI VIỆT NAM mới được coi là NGƯỜI VIỆT NAM. Nếu không chỉ gốc Việt Nam chứ chưa phải NGƯỜI VIỆT NAM.

                                                              Các quan coi thi Trường thi Nam Định năm 1912.
                                                           Các sĩ tử lều chõng đi thi Khoa thi năm 1912 tại Nam Định.
    Lễ Khánh thành tượng đài Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại trước Quảng trường Nam Định.
                                                                                         Quảng trường Nam Định.

Trần Minh Tân