Người Nam Định Quê Nam Định – Kỳ 6

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 6

Trong xu thế hừng hực ngọn lửa anh hùng, mọi người đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ Quốc thì vẫn lạc loài những kẻ chỉ lo vinh thân phì gia cam tâm phản bội dân tộc bán mình cho giặc. Trần Ích Tắc con vua Trần Thái Tông, rất thông minh, giỏi kinh sử, thạo lục nghệ, nổi tiếng thơ văn được phong Chiêu Quốc vương. Ông mở trường dạy học, môn sinh đông, nhiều người tài như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng… Nhưng Ích Tắc quá kiêu ngạo và nhiều tham vọng. Ông ta cho rằng mình mới xứng đáng làm vua chứ không phải anh trai là Trần Hoảng và luôn khát khao quyền lực. Biết được điều ấy, trước khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai giặc Nguyên – Mông cho gián điệp sang tiếp cận Trần Ích Tắc mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí hứa sẽ phong ông ta làm “An Nam quốc vương” nếu giúp quân Nguyên – Mông đánh chiếm được Đại Việt. Trần Ích Tắc nhận lời bán rẻ Tổ Quốc cam làm tay sai cho giặc.

Tưởng thực hiện được mộng bá vương, nhưng ông ta không ngờ đại quân Nguyên – Mông vừa tràn sang đã phải đối đầu với cuộc kháng chiến toàn diện, quyết liệt của quân dân Đại Việt và chỉ không đến một tháng đã bị đánh tan. Tướng sĩ bại trận phải tháo chạy về nước. Gia đình Trần Ích Tắc cũng nhục nhã bám theo sang đất giặc rồi sau này chết bỏ xác bên đó.

Trần Di Ái là chú họ Trần Nhân Tông. Năm 1281 được nhà vua cử dẫn đầu một phái đoàn sang sứ Trung Quốc. Cũng như Trần Ích Tắc, Trần Di Ái lòng chứa đầy tham vọng. Biết được điều đó vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt lập tức tận dụng cơ hội này, dụ dỗ phong cho Di Ái làm “An Nam quốc vương” thay Trần Nhân Tông, rồi sai Sài Thung đem theo 5.000 quân hộ tống bọn này về Đại Việt. Khi chúng vừa đến biên giới vua Trần sai quân chặn đánh, bắt Trần Di Ái và đưa Sài Thung về Thăng Long. Vua hạ chỉ giáng Trần Di Ái xuống làm lính hầu, tiếp đãi Sài Thung rồi tống tiễn y về nước.

Trần Kiện là con Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, anh cùng mẹ khác cha với vua Trần Thánh Tông. Cũng do nuôi tham vọng lớn mộng bá quyền mà hiềm khích với Trần Đức Việp con Thánh Tông, bất mãn bỏ về Tức Mặc lấy cớ học Đạo Lão.

Tháng 1 năm 1285 quân Nguyên tràn qua biên giới xâm lược nước ta. Chúng chia làm ba mũi tiến công, Thoát Hoan chỉ huy mũi chủ lực từ Quảng Tây đánh sang cửa ải Nam Quan. Nạp Tốc Lạp Đinh từ Vân Nam đánh theo Sông Chảy. Toa Đô khi đó đã chiếm bắc Chiêm Thành đánh ra từ phía Nam.

Trần Nhật Duật nhận lệnh đem quân chặn chúng tại Nghệ An. Vua Trần Nhân Tông muốn tạo cơ hội cho Trần Kiện lập công, giao chỉ huy một vạn quân vào chốt giữ Thanh Hoá. Toa Đô đánh vào lộ Bố Chính (nay là Quảng Bình) tiến thẳng ra Nghệ An. Trần Nhật Duật không cản nổi phải rút lui. Giặc đánh ra Thanh Hoá. Trần Kiện không tổ chức chiến đấu mà đem cả một vạn quân ra hàng (8-3-1285), hèn hạ hơn hắn còn dẫn đường cho Toa Đô đánh Trần Quang Khải.

Quân ta chủ trương rút lui chiến lược, củng cố lực lượng và chỉ một tháng sau trước sự chỉ huy của vị tướng thiên tài Trần Hưng Đạo cuộc phản công quy mô lớn được phát động. Quân ta đại thắng trên các trận: A Lỗ, Tây Kết, Chương Dương…Giặc Nguyên – Mông thảm bại.
Ngày 9 – 7 – 1285 triều đình trở về Thăng Long.

Với tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” từ triều đình đến muôn dân đều vô cùng ngưỡng mộ, tôn vinh những người xả thân cứu nước, nhưng với bọn nuôi tham vọng bất minh, chỉ lo vinh thân phì gia cam tâm “cõng rắn cắn gà nhà” làm tay sai cho giặc thì kiên quyết trừng trị nghiêm khắc. Bất luận kẻ đó thuộc dòng tôn thất hay thứ dân đều bắt lưu đầy, xử chém, tịch thu điền sản, bỏ quốc tính, kết án vắng mặt cả những tên lưu vong ở nước khác. Bọn phản bội Tổ Quốc như Trần Ích Tắc, Trần Di Ái, Trần Kiện… là tội đồ của lịch sử mang nỗi nhục muôn thuở.

Đời nay vẫn có những người đã làm đến chức thượng thư bộ lại, hoặc thống lĩnh binh quyền nhưng nhát gan, sợ bọn bành trướng phương Bắc. Có kẻ bất chấp liêm sỉ dám trâng tráo tuyên bố: “Lôi tên bố mẹ, tổ tiên tôi ra chửi, sao cũng được. Nhưng xin đừng đụng đến Trung Quốc. Hãy gọi họ là “nước ngoài””. Đúng là vừa hèn, vừa mạt. Để vinh thân phì gia rất có thể họ đã thông đồng với giặc, coi thường độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ mà muôn đời tổ tiên ta đã đổ biết bao mồ hôi xương máu mới có.

Bằng lời nói hay việc làm dù tinh vi đến đâu, dù ngụy trang ngụy biện cách gì, họ cũng vẫn lộ rõ tư tưởng đớn hèn, xúc phạm và tổn hại đến ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân ta trước kẻ thù xâm lược. Loại đó chính là giặc nội xâm cần phải nghiêm trị bất luận chúng thuộc hàng tôn thất hay giữ cương vị gì.Người Nam Định ý thức rõ điều đó để không bao giờ lặp lại vết nhơ ấy.

Tổ Quốc là của mọi người. Vì thế mọi người phải có trách nhiệm với Tổ Quốc. Đó là nền tảng của lòng yêu nước. Đó là cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là nguồn gốc sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó cũng lý giải tại sao nhà Trần đã đưa Đại Việt thoát khỏi suy thoái cả chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá ba lần đánh tan giặc Nguyên – Mông, đưa nước ta đến chói lọi vinh quang.

Điều đó cũng lý giải vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đã kế thừa tinh hoa truyền thống đó. Tại các công sở, cơ quan, trường học, doanh trại quân đội khẩu hiệu “Tổ Quốc trên hết!” rất lớn luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất.

Nhiều gia đình dùng bốn chữ đó thay đại tự trên hoành phi treo trước ban thờ gia tiên. “Tổ Quốc trên hết!” đã in sâu trong cuộc sống tinh thần mọi người dân Việt Nam thiêng liêng như một tín ngưỡng. Với khẩu hiệu: “Tổ Quốc trên hết!” Bác Hồ và Đảng ta ngày ấy đã tập hợp đoàn kết toàn dân tộc thành một khối thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng và thống nhất đất nước.

“TỔ QUỐC TRÊN HẾT!” vô cùng quan trọng trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Không nhận thức đúng đắn, đầy đủ khái niệm này. Không đặt vị trí, mục đích, lợi ích quốc gia dân tộc cao hơn tất cả nhất định sẽ sai lầm và hậu hại khôn lường.

Người Nam Định luôn hướng tới tâm thiện, lòng nhân.
Tâm thiện lòng sẽ nhân. Lòng nhân được sinh từ tâm thiện. Đó là cốt lõi phẩm giá người Nam Định. Lòng nhân gồm nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là nhân ái và nhân cách

.
Người Hy Lạp có câu: “Muốn hiểu ta hãy đặt ta đối mặt kẻ tử thù”. Với con người là thế mà với mỗi quốc gia dân tộc cũng vậy. Khi bị xúc phạm, bị làm tổn thương, tổn hại, bị tấn công, bị đàn áp, bị xâm lược có dám phản ứng, dám chiến đấu để tự vệ, bảo toàn danh dự quốc thể và độc lập chủ quyền lãnh thổ hay im lặng cúi đầu chịu nhục, chịu khuất phục? Và, nếu đối phương biết nhận lỗi xin tha lỗi hoặc kẻ thù chịu thất bại hạ vũ khí đầu hàng có đủ lòng nhân ái độ lượng tha thứ hay tìm cách hạ nhục trả thù? Thấp hèn hay cao thượng, tiểu nhân hay quân tử thể hiện ở hai cách ứng xử ấy.

Bị đánh tơi bời, tan tác giặc Nguyên – Mông nuốt nhục xin hàng. Vua Trần không chỉ chấp nhận mà còn cho mở tiệc rượu tống biệt các tướng bại trận của đối phương, cấp ngựa và lương thảo, chỉ dụ dân địa phương mở đường tạo thuận lợi để quân sĩ chúng về nước khiến kẻ thù ôm hận nhưng tâm phục, khẩu phục dân Đại Việt. Đó là đẳng cấp ngoại giao siêu phàm nhìn xa thấy rộng. Đó còn là thông điệp thể hiện thiện chí hoà bình của nước Đại Việt gửi đến tất cả các quốc gia khác.
Phải có lòng nhân ái cao cả lắm mới làm được thế.

 

  Cột cờ Hà Nội.
   “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” thời Bác Hồ được treo trong các Hội trường
            Quyết tử chiến đấu vì TỔ QUỐC TRÊN HẾT.

Trần Minh Tân