Quê Nam Định Người Nam Định Kỳ 7

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 7

Người Nam Định coi hiếu học là đạo.
Làm người sống phải có đạo – Đạo làm người. Nếu không chỉ là tồn tại. Coi hiếu học là đạo, có nghĩa làm người sống phải hiếu học, nếu không cũng chỉ là tồn tại.

Như nhân tài cả nước, nhân tài Nam Định trước hết là sản phẩm của nền giáo dục Phật Giáo, tiếp đến là nền giáo dục quốc gia. Cơ sở trường lớp của Phật Giáochỉ dựa vào hệ thống chùa chiền nhưng thày dạy là các bậc chân tu, đức độ cao, trí lự sâu và chương trình ngoài giáo lý Phật pháp còn học đủ cả văn võ, cùng các môn khoa học tự nhiên và xã hội, ngoại ngữ (chủ yếu Hán tự).

Nhờ thế giáo dục Phật Giáo đã đào tạo được không ít nhân tài, nhiều tên tuổi kiệt suất như: Khuông Việt, Duy Giám, Nhật Nam, Pháp Hiền, Pháp Thuận, Vạn Hạnh… Giáo dục Phật Giáo cũng góp phần đào tạo được nhiều nhà vua anh minh của triều Lý, Trần. Ngay thần đồng Nguyễn Hiền, vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất của lịch sử khoa bảng nước nhà khi còn nhỏ cũng do các thiền sư chùa Dương A dạy dỗ.

Những bậc tu hành đức độ cao, kiến thức uyên bác quê Nam Định còn có Đại sư Dương Không Lộ (1016 – 1094) quê Hải Thanh (Xuân Trường ngày nay) đi tu từ nhỏ, rất thông tuệ, có nhiều công giúp triều Lý được vua phong Quốc sư. Đại sư Nguyễn Giác Hải (1022 -?) cũng quê Hải Thanh, đi tu cùng với sư Không Lộ, theo phái Mật Tông là môn đệ thế hệ thứ 10 dòng thiền Quang Bích. Đọc nhiều, hiểu rộng, ông được các vua triều Lý rất kính trọng ban quốc tính là Lý Giác Hải. Vua Lý Thánh Tông coi ông như sư phụ.

Từ triều Lý nền giáo dục quốc gia chính thức được xác lập có hệ thống lấy Khổng Giáo làm nền tảng khẳng định qua việc xây Văn Miếu và Quốc Từ Giám tại Kinh đô Thăng Long. Đến nhà Trần nền giáo dục quốc gia càng được quan tâm. Nam Định là Kinh đô thứ hai, là quê hương, đất phát tích vương triều Trần nên giáo dục rất được ưu tiên đầu tư phát triển.

Năm 1281 nhà Trần cho lập trường học ở phủ Thiên Trường. Năm 1397 vua xuống chiếu đặt chức quan Giáo thụ trông coi, đôn đốc việc học ở lộ Sơn Nam đào tạo học sinh ưu tú cho triều đình và hàng năm kén chọn người giỏi để tiến cử. Đến năm 1428 triều Lê cho mở trường học ở các phủ, lộ cho con em tất cả mọi tầng lớp nhân dân.
Thời Tây Sơn trường học được mở đến các xã.

Năm 1820 nhà Nguyễn cho tổ chức thi tuyển tại các trường ở huyện, phủ để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn được tham dự thi Hương. Theo “Đại Nam nhất thống chí” dưới triều Nguyễn, Nam Định có: Trường học tỉnh Nam Định, Trường học phủ Thiên Trường, Trường học phủ Nghĩa Hưng, Trường học huyện Nam Chấn, Trường học huyện Chân Ninh, Trường học huyện Thiên Bản,

Trường học huyện Phong Doanh. Ngoài trường do nhà nước phong kiến thành lập, để đáp ứng nhu cầu hiếu học của người dân Nam Định còn nhiều loại hình trường khác. Đó là các vị đỗ đại khoa nhưng không ra làm quan, hoặc từ quan về quê lập ra, như: Trường của tiến sĩ Ngô Thế Vinh (1803 – 1856) ở Bái Dương, Nam Trưc. Ông là nhà giáo nổi tiếng, sĩ tử khắp vùng đều biết tìm đến, học trò tới hàng nghìn. Hơn 60 người đậu cử nhân. Bảng nhãn Phạm Thanh, thám hoa Ngụy Khắc Đản, hoàng giáp Thúc Kiên, tiến sĩ Đỗ Phát… đều học ở đây. Nhiều sách giáo khoa như “Trúc đường khoa sách”, “Trúc đường văn sách” do Ngô Thế Vinh soạn được dùng cho cả nước; Trường của hoàng giáp Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, Ý Yên).

Năm 1848 đang làm Biên tu trong Quốc sử quán ông từ quan về quê mở trường dạy học. Môn sinh cũng tới hàng nghìn. Nhiều người nổi tiếng và đỗ đạt cao như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tam nguyên Trần Bích San, những lãnh tụ chống Pháp: Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi, Lã Xuân Đại… đều là học trò ông; Trường của tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh ở Châu Mỹ, Đại An (nay thuộc Nghĩa Hưng). Ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, một danh nho uyên bác, bạn thân của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, người có công phát hiện Phan Bội Châu tài năng, chí lớn lấy đỗ Giải nguyên. Học trò cũng rất đông, nhiều người giỏi. Ngoài ra còn trường của nhiều khoa bảng khác như: Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910), Cử nhân Lê Quả Dục (1833 – 1899), Cử nhân Đặng Ngọc Toản (1841 – …?), Cử nhân Mai Công Hoan, ông nghè Vũ Hữu Lợi…

Ngoài các bậc đại khoa, nhiều dòng họ, gia đình, làng xã mời thày về dạy con cháu mình. Trường của họ Phạm ở làng Si, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản tồn tại từ những năm cuối thế kỷ 17, là niềm tự hào của dòng tộc. Từ đây không ít người đỗ đạt cao như Tiến sĩ Phạm Đình Kính, Cử nhân Phạm Thanh Thận, Phạm Đình Huân…Nhờ những trường như thế mà nhiều nhân tài thuộc các dòng họ xuất hiện. Như họ Nguyễn ở Cựu Hào (nay là Vĩnh Hào, Vụ Bản) có Nguyễn Thuyên ba lần đậu tú tài. Ông có bốn người con đều đậu tú tài. Nguyễn Thành em trai ông đậu tú tài đến 7 lần và cháu nội ông là Nguyễn Văn Tính đậu tiến sĩ.

Làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường) nổi tiếng đất học. Đưới triều Nguyễn làng Hành Thiện có số người khoa mục đứng đầu cả nước: ba tiến sĩ, bốn phó bảng, 87 cử nhân và tới hơn 200 tú tài. Trong 42 khoa thi tổ chức ở Trường thi Nam Định, khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ cử nhân hoặc tú tài. Đó là làng đứng đầu cả nước về số người đỗ cử nhân. Không chỉ nhiều khoa bảng, làng Hành Thiện còn nổi tiếng về đức kiên trì, không hề nản chí quyết tâm theo đuổi nghiệp học hành, thi cử. Nguyễn Đăng Thiện đỗ tú tài năm 19 tuổi, nhưng 60 tuổi mới đỗ cử nhân. Nguyễn Như Bổng dự 15 khoa thi hương trong suốt 40 năm chỉ đỗ tú tài hai lần và mãi tới năm 60 tuổi mới đỗ cử nhân. Nhiều gia đình anh em, bố con, ông cháu, chú cháu đều đỗ cử nhân, tú tài.

Cùng với Xuân Trường, Ý Yên cũng là huyện nổi tiếng “đất học”, có số lượng đông nhất những người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ. Có các “làng khoa bảng” như Tam Đăng (Yên Thắng), La Ngạn (Yên Đồng), Thượng Đồng (Yên Tiến). Riêng gia đình hoàng giáp Phạm Văn Nghị một người con đậu phó bảng và ba đậu cử nhân. Gia đình cử nhân Đỗ Huy Cảnh con cả đậu phó bảng, cháu nội đậu hoàng giáp…

Ở Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) cha là Đào Toàn Bân đậu tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đậu trạng nguyên. Ở đây các gia đình cha con, anh em, ông cháu cùng đỗ tú tài, cử nhân không ít. Vùng này người ta truyền nhau câu chuyện “Con nhờ cha học giỏi”. Nguyễn Công Hoàn là người rất hiếu học và học giỏi triều nhà Lê. Ông có người con trai là Nguyễn Bá Lân cũng nổi tiếng ham học và học giỏi. Ông Hoàn khuyến khích kèm cặp Lân và tìm mọi cách để hai cha con cùng thi đua động viên nhau học. Ông thường bày ra các cuộc thi văn với con để khích lệ. Ban đêm ngồi đọc sách ông thường để cái dùi đục bên cạnh và bảo Lân: “Con ngủ gật, bố đánh. Bố ngủ gật, con đánh”. Một lần ông Hoàn ngủ gật, Bá Lân chỉ khẽ lay gọi chứ không dám đánh. Tỉnh dậy ông Hoàn bực lắm, quát con: “Hừ, con định làm bố dốt hơn con, phải không?”. Mỗi khi thi văn ông Hoàn lại giao hẹn: “Văn con hay thì con được ăn, bố nhịn. Văn bố hay thì bố được ăn, con nhịn”. Thường thì văn của Lân vẫn hay hơn, vì thế ông cứ phải nhịn đói luôn. Một lần Bá Lân đến nói với thày giáo xin thày chấm văn của bố hay hơn của mình. Biết chuyện, thế là bữa ấy ông Hoàng bắt Lân phải nhịn và ông cũng nhịn. Khi Bá Lân đỗ tiến sĩ, các bạn cùng học đến mừng, ông Hoàn mặc bộ nâu sồng ra tiếp khách, cười nói rằng: “Thằng Lân nhà tôi mà đỗ đầu thì thiên hạ hết người tài thật rồi”. Biết ông Hoàn dè chừng thói kiêu căng của con, mọi người cười vui vẻ nhưng rất thấm thía. Còn Bá Lân thì quỳ xuống bên bố: “Con được như hôm nay là nhờ có bố. Con xin cám ơn bố.

Chùa Phổ Minh, Nam Định, có từ triều Lý, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu và sáng lập ra “Dòng thiền Trúc Lâm”.
       Sĩ tử Nam Định, 70 tuổi vẫn đi thi (Khoa thi năm 1912)
.                                                                        Trường thi Nam Định (Khoa thi năm 1912)
       Văn Miếu – Quốc Tử Giám biểu tượng trí tuệ Đại Việt

Trần Minh Tân