Về Hạ Long giữa một ngày nắng hạ

Đọc bài thơ “Một ngày nắng Hạ Long” của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nhà phê bình văn học Lan Nguyễn đã có lời bình. Người Làm Báo xin trân trọng giới thiệu nội dung.

“Anh lại về Hạ Long      

Giữa một ngày nắng hạ

Mây trốn biệt phương nào

Trời cao xanh thăm thẳm”     

Duyên với đất Hạ Long, tác giả “lại về” trong cái “cao xanh thăm thẳm” trong vắt bầu trời của “một ngày nắng hạ”.

Được viết theo thể thơ tự do, không ràng buộc số chữ trong mỗi câu, số câu trong mỗi khổ thơ, Một ngày nắng Hạ Long cho phép tác giả trải lòng theo mạch cảm xúc, từ Nam chí Bắc, từ Kiên Giang, ra Mỹ Khê, qua Thiên Cầm, đến Sầm Sơn mà vẫn “Tìm em trong vô vọng”! Tìm em từ “chiều muộn” đến “hừng đông”. Tìm em từ nơi chỉ có “rừng thông vi vút” đến “bãi kín người”. Tìm bóng em, em nơi đâu? Cảm giác thất vọng ngập tràn, nhưng không vì thế dừng cuộc hành trình tìm cái Đẹp cuộc đời!

Và rồi, vỡ òa cảm xúc.“Đây rồi trên Hạ Long”! “Đây rồi” hai tiếng reo vui sau chuỗi “ngày bôn ba”/ “Tìm em trong vô vọng”. Dường như, nút bế tắc đã được cởi bỏ, được tháo tung. Thấy em. Đã thực thấy hình em, “Trong con tàu rẽ sóng/ Áo em hòa nước biển/ Nụ cười nghiêng chiều hôm”. Tiếng thơ trong trẻo, nhẹ bẫng đến lạ lùng. Sóng yêu dâng tràn đáy mắt. Cách dùng từ vô cùng tinh tế. “Hòa” mà không lẫn. Nước biển hòa trong màu áo em hay áo em hòa cùng màu nước biển, điều đó không quan trọng. Nụ cười em đã nghiêng cả chiều hôm! Câu thơ gợi nhớ lại điển tích “nhất tiếu thiên kim” năm nào. Để mua được nụ cười của mỹ nhân Bao Tự, Chu U Vương sẵn sàng bỏ ra ngàn lạng vàng, thậm chí đánh đổi cả giang sơn và mạng sống của mình!

“Giọng thánh thót như chim

Núi đá nghe thờ thẫn

Biển đang sóng bỗng im

Mây ngừng bay để ngắm”.

Gieo hai từ “thánh thót”, tác giả đã gõ lên giai điệu tiếng lòng. Có thật giọng nàng thánh thót đến độ động cả núi đá, biển, mây chăng? Ấy vậy mà, núi “thờ thẫn”, biển “bỗng im”, mây “ngừng bay” – tất cả chỉ để “nghe” để “ngắm”! Từ “thờ thẫn” được dùng rất đắt, tạo hiệu ứng cảm giác đa chiều. Trạng thái “thờ thẫn” của núi hay của người? Quả là “Khi yêu trời cũng thất thần” (Trần Mạnh Hảo). Thủ pháp “nhân hóa” cho phép tác giả đi tới tận cùng chiều sâu tâm trạng người đang yêu. Biển bỗng im tiếng sóng, chỉ để nghe tiếng em. “Mây ngừng bay để ngắm”, tan vào trong mắt trong. Thì ra, biển và người đều nâng niu và trân trọng cái đẹp của tạo hóa, đều bền bỉ tìm đến tận cùng cái đẹp! Phải chăng, “chân – thiện – mỹ” là mục đích tối thượng của văn chương?

Trở lại với khổ cuối bài thơ: tình đang dào dạt, ý đang si mê, tác giả đã khôn khéo mượn ý thơ Xuân Diệu – “ông hoàng thơ tình”, người đã có bài thơ hay nhất trong số các bài thơ viết về biển và tình yêu: “Anh không xứng là biển xanh/ Xin làm cơn sóng biếc”. Có lẽ, khó có ai diễn tả một tình yêu dạt dào không giới hạn, không bao giờ vơi cạn như Xuân Diệu với cuộc đời bên biển cả, để được được tan hết mình, được hát mãi bên ghềnh, được hôn mãi ngàn năm không thỏa… Nhưng với tác giả, dù cảm xúc trào dâng trước cái đẹp, trước nụ cười làm “nghiêng chiều”, trước tiếng hát làm núi đá thờ thẫn”, song không vì thế đắm say đến độ tan hết mình trong yêu, đến không còn tỉnh thức, đến quên đi thực tại. Nguyện hành trình bên em, nâng bước em. Nguyện chỉ “Xin làm cơn sóng biếc/ Vỗ nhè nhẹ mạn tàu/ Đêm mơ rồng hạ bến…”.

Hành trình “Một ngày nắng Hạ Long” được bắt đầu ở chính Hạ Long và kết thúc cũng tại nơi “Rồng hạ bến…”, song đã mở ra biết bao cung bậc cảm xúc theo dấu chân bôn ba của tác giả. Tìm em – thấy em – nguyện song hành cùng em, đi bên em, mới thấy hết tầng nấc của tình yêu. Đâu phải cứ vồ vập, ồn ào, mãnh liệt mới là yêu? Có thứ tình yêu “nhè nhẹ” mà vô cùng tha thiết, cao thượng, sâu sắc và chân thành đến nao lòng. Có lẽ, chỉ có nhà thơ Hồng Vinh mới có thể khắc họa cái chiều sâu thăm thẳm của tình yêu như thế./.

Lời bình của Lan Nguyễn