Những vần thơ thao thiết Mường Lò
Biết đến Mường Lò qua màn ảnh nhỏ. Lâng lâng, xao xuyến một niềm mong! Chỉ mấy khổ thơ, tác giả giúp chúng ta cùng đặt bước trên đất Mường Lò để cảm nhận “tinh hoa từ huyền thoại” qua nhịp đại xòe, qua tiếng ca Ing lả vang vọng núi rừng, qua chiếc khăn piêu phấp phới bay trên những thửa ruộng bậc thang trải dài Mù Căng Chải…
Cảm ơn màn hình đưa anh gặp Mường Lò
Ngàn ánh mắt, ngàn vòng tay thân thiết
Bên ruộng bậc thang trải màu xanh biếc
Hy vọng sáng lên từ lễ hội đêm này!…
Vâng, với “Xao xuyến Mường Lò”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã diễn tả đúng cảm xúc của bao người. Dường như, âm hưởng huyền thoại, âm hưởng sử thi đã len sâu trong từng tứ thơ. Và cũng thật lạ, dự lễ hội, tham gia lễ hội qua truyền hình trực tiếp, mà không khí lễ hội Mường Lò đã bừng lên trong “Ngàn ánh mắt, ngàn vòng tay thân thiết”, trong giai điệu đại xòe đậm chất văn hóa dân gian, nồng nàn tình Dân nghĩa Đảng. Thắp sáng lên bao hy vọng, niềm mong, “Xao xuyến Mường Lò” được khởi thảo bằng cụm từ: Anh muốn…
Anh muốn về Mường Lò cùng em
Nhưng chỉ được ngắm qua màn ảnh
Đã bao năm em về với bản
Đồi lúa bậc thang xanh mát Mường Lò!
“Anh muốn về”, “Nhưng chỉ được”. Dường như có sự mâu thuẫn giữa tâm trạng khát khao và hiện thực không chiều lòng người, đành dõi theo Mường Lò qua những thước phim, gợi nhớ về Mường Lò với hình ảnh đẹp nao lòng, ít nơi nào sánh nổi “Đồi lúa bậc thang xanh mát” nối nhau. Phải chăng, “Đồi lúa bậc thang xanh mát” đó là duyên, là cớ khơi mạch cảm xúc sâu thẳm về núi rừng Tây Bắc nổi tiếng với nếp dẻo Tan Tú Lệ, với hương thơm đặc sản chè tuyết Shan cổ thụ…
Mường Lò đây, đâu chỉ tráng lệ với những đồi lúa bậc thang lượn sóng xanh mát khi lúa đương thì con gái; trĩu nặng sóng vàng mượt mà, óng ả khi lúa đậm bông. Mường Lò còn “Cuốn hút bao chàng trai mọi miền hội tụ” nơi “Nương chè Suối Giàng”. Chính tại nơi đây, bên những gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi, những câu chuyện thấm đẫm tình đất, tình người, tình đời tỏa đi “theo suốt dặm dài” mang theo ánh mắt mến thương, gửi trao giữa người đi, người ở.
Bài thơ em sinh nở những tứ thơ
Cuốn hút bao chàng trai mọi miền hội tụ
Nương chè Suối Giàng thành nơi tình tự
Ánh mắt gửi trao theo suốt dặm dài…
Chìm trong cảm xúc bâng khuâng, nhưng tôi không khỏi băn khoăn. Tại sao, tác giả lại hạ bút đặt hai từ “sinh nở” trong tương quan giữa cảnh và tình đẹp đến say lòng? “Bài thơ em sinh nở những tứ thơ”. Thoạt nghe như có chút gì thiếu đi nét thi vị của mạch thơ đang chảy. Nhưng càng ngẫm, càng mở ra chiều sâu văn hóa đậm chất huyền thoại Mường Lò. Phảng phất đâu đây âm hưởng sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Giữa mông lung đất trời thuở khai thiên lập địa, thiên nhiên đã sinh ra đất, sinh ra trời và sinh ra người Mường. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người Mường Thanh Hóa (nơi được cho là nơi phát tích sử thi “Đẻ đất đẻ nước”) và người Mường, người Thái Yên Bái vẫn đồng điệu nền văn hóa chung đậm đà bản sắc. Tiếng trống cái, tiếng chuông đồng không thể thiếu trong mỗi câu ca, điệu múa nơi đây. Và còn nữa, cũng từ “sinh nở” rất giản dị và mộc mạc ấy lại là căn nguyên khởi phát bao tứ thơ.
Đêm Mường Lò thuở ấy bên ai?
Cùng nắm chặt tay điệu xoè say đắm
Ngày về xuôi vẫn nhớ lời hò hẹn
Gắng một lần trở lại gặp em!
Chợt liên tưởng đến giai điệu lãng mạn mang âm hưởng Tây Tiến năm nào. “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ...”. Chất trữ tình, lãng mạn ấy ẩn sau câu hỏi tu từ “Đêm Mường Lò thuở ấy bên ai?”. Hỏi để khắc sâu hình ảnh đêm buông điệu múa say đắm giữa bếp lửa bập bùng. Lãng mạn nhưng cũng rất hiện thực. Tay trong tay vui say trong điệu xòe hoa, chỉ ánh mắt, nụ cười, bàn tay trao nhau, rộn nhịp trái tim chứ đâu trao được tiếng nói tâm tình. Cầm tay em, cùng nắm chặt tay để cảm nhận tình anh, tình em ấm áp trong đêm hội lung linh, cùng sẻ chia sự kết giao văn hóa hội tụ nơi Mường Lò huyền thoại…
Ngược dòng thời gian, trở về truyền thuyết xưa, trước khi Then (ông trời) cho hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần từ Mường Ôm, Mường Ai xuống xây dựng Mường Lò, Qua Tô Mương đã lưu truyền câu ca: Khởi nguồn nên đất nên cỏ/ Khởi nguồn nên trời bằng cái nấm/ Khởi nguồn nên đất bẩy miền/ Khởi nguồn nên núi ba hòn/ Khởi nguồn nên nước chín dòng/ Khởi nguồn nên cửa Đà – Thao/ Thủa ấy, Then mới cho bảy ông Xa Công xuống xây dựng mảnh đất trần gian/ Có đủ thứ đủ giống/Có đủ con đủ loài/ Then mới cho bảy ông đến xây dựng/ Trần gian nên bản nên mường. Hai Tạo vâng lệnh Then đem một quả bầu (biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và ước vọng no đủ của cư dân vùng nông nghiệp) và một cột đồng chống trời (biểu tượng cho sự thông thiên ba cõi, sự giao hoan giữa trời và đất) xuống dựng Mường Lò. Mường Lò có từ đó, đứng vững qua thăng trầm lịch sử, trở thành một trong những điểm sáng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ròng rã 9 năm!
Ngày về xuôi vẫn nhớ lời hò hẹn
Gắng một lần trở lại gặp em!
Cảm xúc như lắng lại, ngưng đọng. “Gắng một lần” như lời thầm nhủ, thầm hứa với bản thân. “Trở lại gặp em” bởi “nhớ lời hò hẹn”. Nhưng thực tế không như mong đợi. “… lời hứa chỉ là điều mong”. Có thể nói, chất hiện thực, chất nhân sinh thấm đẫm nơi đây; và đây mới thực là đỉnh cao của nghệ thuật. Đâu phải cứ ánh trăng đẹp, mới được coi là nghệ thuật.
Nhưng lời hứa chỉ là điều mong
Mùa nối mùa, lúa thơm lừng bản
Đất sau gặt ủ luống cày mong đợi:
Sau bữa cơm, anh hòa quyện điệu xòe!
Khát khao, mong muốn “về Mường Lò” được tác giả thể hiện rất tự nhiên qua lời tâm tình đằm mà sâu lắng. “Muốn về”, “điều mong”, “mong đợi” và kết lại bằng hai từ “hy vọng”; hy vọng Mường Lò sẽ nhân lên sức mạnh trong tương lai tươi đẹp thời mở cửa và hội nhập; hy vọng tình người bốn phương hội tụ ngày một đông thêm nơi Mường Lò; hy vọng sợi dây tình cảm giữa anh và em vẫn chặt bền qua năm tháng… Bao hy vọng ấy đã và đang được thắp lên “từ lễ hội đêm này!…”
Hà Nội, ngày 24/9/2019
(Nhân đọc bài “Xao xuyến Mường Lò” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh)
Bằng Lăng