Khởi nghiệp thành công nhờ các sản phẩm chế biến từ củ sen

Khởi nghiệp thành công nhờ các sản phẩm chế biến từ củ sen

Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, chăm chỉ cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo, anh Vũ Văn Anh (sinh năm 1991) ở thôn Bình Thành, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã khởi nghiệp thành công với các sản phẩm chế biến từ củ sen. Đến nay, các sản phẩm: trà củ sen, tinh bột củ sen của anh được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu tích cực góp phần mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình và người trồng sen, làm đẹp cảnh quan môi trường ở địa phương.
Anh Vũ Văn Anh, xã Trực Chính cùng các sản phẩm chế biến từ củ sen do cơ sở của anh sản xuất.
Anh Vũ Văn Anh, xã Trực Chính cùng các sản phẩm chế biến từ củ sen do cơ sở của anh sản xuất.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Cự Trữ 3, xã Phương Định (Trực Ninh) – một miền quê thuần nông nên ngay từ khi là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù đã chứng kiến sự vất vả, khó khăn – khó làm giàu của nhà nông song anh Vũ Văn Anh luôn nung nấu ước mơ phát huy kiến thức đã học để làm giàu từ nông nghiệp. Năm 2015, khi trở về thực hiện ước mơ, anh mạnh dạn sang thuê diện tích đất thùng đào, thùng đấu ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp.

Tuy nhiên thực tế không giống suy nghĩ, vạn sự khởi đầu nan! Do không có kinh nghiệm, định hướng sản xuất hợp lý, Vũ Văn Anh đã thất bại. “Hồi đó tôi sản xuất chạy theo phong trào, thấy người ta trồng cây gì, nuôi con gì “hot” là làm theo. Nhưng đến khi mình có thành phẩm đưa ra bán thì thị trường cũng bão hòa dẫn tới khó tiêu thụ, không được giá. Tôi đã mất trắng 300 triệu đồng tiền vốn cùng toàn bộ công sức bỏ ra trong suốt gần 4 năm (từ năm 2015 đến 2018)” – anh nhớ lại. Vốn là người lạc quan, anh tự an ủi bản thân rằng sau thất bại dù gì cũng rút ra bài học cho bản thân về khởi nghiệp là phải đầu tư suy nghĩ, muốn thành công phải có ý tưởng sáng tạo để tạo sự khác biệt trên thị trường. Và rồi anh lại thấy cái may trong cái rủi, đó là trên diện tích trang trại anh thuê có sẵn đầm trồng sen nên anh cũng “bén duyên” với việc kinh doanh hạt sen, củ sen tươi bán cho thương lái ở Hải Phòng. Rời bỏ ước mơ làm giàu từ trang trại trở về quê, anh vẫn duy trì các mối quan hệ với khách hàng mua, bán hạt sen, củ sen tươi. Nhưng “họa vô đơn chí”, sau thất bại với trang trại, việc kinh doanh hạt sen, củ sen đang trôi chảy thì các năm tiếp theo 2020-2021 dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội khiến sản phẩm củ sen tươi của anh không thể đem đi bán ngay. Loại hàng tươi này rất nhanh hỏng, không thể bảo quản được thời gian dài. Lúc đó, anh đã nghĩ đến việc làm một sản phẩm gì đó để có thể tăng thời gian bảo quản của củ sen. Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy củ sen khá giống với củ sắn dây ta, cũng có lượng tinh bột, có thể chế biến tinh bột như sắn dây. Đây vốn là nghề gia truyền của gia đình nên đã quyết định đầu tư sâu vào sản phẩm này.

Năm 2022, Vũ Văn Anh đã thuê lại hơn 3 sào đất công ích ở thôn Bình Thành, xã Trực Chính để đầu tư nhà xưởng để chế biến các sản phẩm từ củ sen. Anh đầu tư mua các loại máy nghiền, máy lọc bột, máy sấy, máy hút chân không, đảm bảo cơ giới hóa khép kín quá trình sản xuất. Để có được vùng nguyên liệu ổn định, anh đã liên kết với 2 hộ trồng sen ở xã Trực Chính và xã Giao Hà (Giao Thủy) với tổng diện tích khoảng 4ha, sử dụng giống sen Bách Diệp có mùi thơm đặc trưng, cho tinh bột dẻo và đậm hơn các loại sen thông thường. Theo anh, quy trình chế biến tinh bột củ sen tuy không phức tạp nhưng trải qua khá nhiều công đoạn khác nhau nên người làm cần kiên trì và cẩn thận. Củ sen để làm tinh bột được lựa chọn phải đảm bảo một số tiêu chí như sen bánh tẻ, không được non quá cũng không già quá để cho tinh bột nhiều nhất; chất lượng củ phải đồng đều và đặc biệt, củ sen sau khi thu hoạch không được để quá 2 ngày mới đưa vào chế biến. Củ sen tươi sau khi thu hoạch được rửa sạch mang đi xay nhuyễn, cho vào máy lọc loại bỏ phần bã và tạp chất. Phần nước cốt (nước bột) đã lọc được ngâm trong nước sạch cho lắng tinh bột. Khi tinh bột tách hết khỏi nước lắng xuống đáy thì lại đổ nước mới vào ngâm cho lắng lọc hết tạp chất, nhựa… Quá trình lắng bột, gạn lọc được lặp lại cho đến khi nước tách ra thật trong, phần tinh bột củ sen trắng, đạt chất lượng tốt nhất sẽ được tách ra khay và mang đi sấy khô ở trạng thái tinh bột tự nhiên. Trung bình 12-13kg củ sen tươi sẽ được khoảng 1kg tinh bột. Để tạo sự khác biệt so với các sản phẩm tinh bột củ sen khác trên thị trường, anh đã sử dụng loại hoa sen Bách Diệp hái trước khi mặt trời lên cao (thời điểm hoa đạt hương thơm tốt nhất) dùng để ướp, tạo hương thơm tự nhiên đặc trưng cho sản phẩm.

Ngoài chế biến tinh bột củ sen, để khai thác tối đa hiệu quả hệ thống may móc đã đầu tư, cơ sở sản xuất của anh còn nghiên cứu chế biến các sản phẩm gia tăng khác như trà củ sen. Toàn bộ các sản phẩm tinh bột củ sen, trà củ sen được anh lấy nhãn hiệu là “Sen 90”, bao bì đều ghi rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, công dụng, hướng dẫn sử dụng…

Trà sen và tinh bột củ sen có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là trị các bệnh về đường hô hấp, đường máu… và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài kênh bán hàng truyền thống thông qua các mối quen, anh Anh còn sử dụng mạng xã hội facebook để quảng bá, bán hàng trực tuyến. Hiện sản phẩm tinh bột củ sen được anh bán với giá dao động từ 750 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg tùy từng loại; trà củ sen 400 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm anh Anh bán 500kg tinh bột, 300kg trà củ sen, doanh thu đạt khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Cuối tháng 10/2024, sản phẩm “Tinh bột củ sen loại thượng hạng” của anh đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh để nâng cao chất lượng các sản phẩm chế biến từ cây sen Bách Diệp hoa đỏ” của anh Vũ Văn Anh được đánh giá có ý tưởng mang tính đột phá, độc đáo và lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành Nam năm 2024. Ngoài làm ra các sản phẩm mới, mang tính sáng tạo, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ nông sản địa phương, anh Anh còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu địa phương.

Khát khao làm giàu, tư duy đổi mới cùng với niềm đam mê sáng tạo, anh Vũ Văn Anh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế riêng với các sản phẩm được chế biến từ củ sen, biến loại nông sản dân dã, thông thường trở thành món ăn đặc sản đang được người tiêu dùng tìm đến. Đây là một trong những gương điển hình đại diện cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của sức trẻ Nam Định trong giai đoạn mới, đồng thời góp phần lan tỏa và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Nam Định