Trường THPT Xuân Trường B – Miền ký ức trong tôi
Có lẽ, trong cuộc đời, những ai đã từng cắp sách đều mãi mãi không quên những ngôi trường thân yêu mà họ đã đi qua, đã một thời gắn bó. Bởi đó la nơi lưu giữ mãi trong thẳm sâu tâm hồn những miền ký ức trinh nguyên, thuần khiết của một thời đẹp nhất dưới mái trường phổ thông trung học Xuân Vinh, nay là trường THPT Xuân Trường B thực sự đã trở thành “miền ký ức” xa xôi mà thân thương, gần gũi, chẳng thể nào quên…
Luôn thao thiết nhớ ngôi trường làng thân thuộc, gắn với thế giới tuổi thơ hồn nhiên như cây cỏ, như đất trời; trong trẻo, tinh khôi như làn nước ao thu dưới ánh trăng tròn vạnh… Người khác mãi luyến lưu giảng đường Đại học, với những kỷ niệm đẹp của tuổi hai mươi lãng mạn, trẻ trung, sôi nổi, chứa chan nhiệt huyết như những cánh chim đã đủ lông mao, lông vũ đang đầy ắp khát khao muốn được tận hiến, xây đời… Còn tôi…, ngôi trường phổ thông trung học Xuân Vinh, nay là trường THPT Xuân Trường B thực sự đã trở thành “miền ký ức” xa xôi mà thân thương, gần gũi, chẳng thể nào quên… Bởi ở đó, tôi có một khung trời kỷ niệm với mái trường, với thầy cô, bè bạn của hơn 30 năm về trước khi là học sinh THPT… Ở đó, tôi còn có hơn 10 năm, được chính các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy trước kia dìu dắt, giúp đỡ để từng bước trưởng thành trong sự nghiệp trồng người, trên chính con đường các quý thầy cô đã và đang đi…
Thầy và trò Trường TPHT Xuân Trường B tươi cười chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau năm 1998
Tuy không phải lứa học sinh đầu tiên của ngôi trường này, nhưng do thời mới thành lập, trường tọa lạc tại thôn An Cư, xã Xuân Vinh, cạnh huyện lộ, cách làng tôi chỉ một con sông nhỏ và được nối liền bằng cây cầu Đá cũ nên cũng như không ít bạn bè cùng trang lứa, tôi từng có chung cảm xúc háo hức, phơi phới niềm vui khi chứng kiến cảnh trường được khởi công, xây dựng. Bởi hồi ấy cả huyện Xuân Trường mới chỉ có một trường THPT Xuân Trường ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Vì thế, các thế hệ đàn anh, đàn chị của chúng tôi, nếu có nhu cầu học lên THPT đều phải đi học xa, cách nhà chừng 10 km. Có một ngôi trường THPT khởi công xây dựng chỉ cách nhà khoảng hơn mười phút tản bộ, lứa học trò ngấp nghé vào cấp 3 như tôi, ai chẳng khấp khởi mừng vui!…
Vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi bước chân vào trường phổ thông trung học Xuân Vinh giữa buổi sáng mùa thu năm 1984 trong sắc nắng vàng rực rỡ. Hồi ấy, trường có 03 khối, 15 lớp, với 01 dãy nhà mái bằng một tầng thấp lè tè và 02 dãy nhà mái ngói kèo tre chưa đủ 15 phòng học nên một số lớp còn phải học tạm ở ngôi chùa cũ đã xuống cấp. Lớp tôi là lớp 10 D bao gồm học sinh 02 xã Xuân Trung và Xuân Phương may mắn được học tại dãy nhà mái ngói cao ráo, sáng sủa hơn, quay lưng ra huyện lộ… Cũng như nhiều ngôi trường mới thành lập khác ở những năm chưa thoát khỏi cơ chế thời bao cấp, trường còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Bên cạnh công tác dạy và học, cả thầy và trò cùng chung tay, chung sức, hăng hái tham gia các buổi lao động sửa sang, xây dựng trường lớp. Tôi còn nhớ như in những buổi cùng thầy cô, bạn bè đổ xỉ đoạn đường từ dãy nhà mái ngói sang dãy nhà mái bằng phía Nam của trường, hay những buổi cùng khuân vữa, ngói dặm lại dãy nhà cấp 4 sau ngày mưa bão và nhất là những buổi lao động cộng sản đào, vác đất tại lò ngói Bắc Sơn xã Hoành Sơn… Tôi càng không thể nào quên những đêm văn nghệ, hội trại dịp 26/3 cùng bè bạn vui chơi, ca hát thâu đêm, suốt sáng, nhất là khi may mắn được bác phụ huynh nào làm cán bộ chăn nuôi ở các HTX Nông nghiệp “tài trợ” cho con lợn vài ba chục cân để cả lớp được cải thiện từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau… Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được học tập, tiếp xúc với nhiều thầy, cô giáo mới. Dù kinh tế xã hội rất khó khăn, mỗi thầy cô có một tính cách, một phương pháp dạy khác nhau nhưng đều có chung nhiệt huyết cao cả của nghề giáo, thể hiện rõ sự chân thành và tận tình qua từng bài giảng, qua lời nói và hành động ân cần… Những đề kiểm tra môn Toán làm bài trong vòng 01 phút, lại còn cả đề chẵn, lẻ của thầy Tuân, hay cách giảng giải những bài Toán khó logic, chặt chẽ, nghiêm cẩn của cô Thắm, thầy Kiêu, cô Vệ, thầy Lâm… đã giúp tôi cùng bạn bè phát triển tư duy logic và kỹ năng trình bày ngắn gọn, khúc triết… Cách giảng Văn giản dị mà sâu sắc, thấm thía lẽ đời của thầy Vệ, cô Lý, cô Loan, hay giọng điệu khi hùng hồn, sảng khoái, lúc thủ thỉ tâm tình lên bổng xuống trầm của thầy Duyên và giọng đọc “Hịch”, “Cáo” sang sảng, vang vọng cả dãy phòng học của thầy Điến… đã khơi dậy trong tôi niềm yêu thích và đam mê văn học. Cách phát âm như gió của cô Thu và cách đọc điệu đà của cô Thêm trong các tiết tiếng Nga đã cho tôi được mở rộng tầm mắt, đến với vùng văn hoá của nước Nga xa xôi, làm giàu có thêm vốn hiểu biết của bản thân… Những giờ lên lớp chẳng cần giáo án, SGK mà vẫn giảng vanh vách, nhớ chính xác tới từng chi tiết các nhân vật, sự kiện trong các giờ dạy Lịch sử của cô Hồi, hay cách vẽ bản đồ Việt Nam thần tình như nghệ sĩ của thầy Thanh trong các tiết học Địa lý khiến tôi và không ít bạn bè đồng khoá luôn ngưỡng mộ. Những tiết giảng nhẹ nhàng về môn Lý của thầy Cường, cô Xuân, cô Quyên, hay giọng điệu thủ thỉ như chuyện trò, tâm sự của thầy Lãng, hoặc giọng điệu trẻ trung, sôi nổi của cô Hạnh trong các tiết Hoá học, và nhất là cách giảng bài khi nghiêm khắc, lúc tếu táo trong các tiết Sinh học của thầy Thiệp … đã khiến cho những kiến thức trọng tâm, cơ bản của những môn học tưởng như khô khan ấy đã đi rất ngọt vào tâm trí tôi… Những bài học về kỹ thuật Nông nghiệp trong các tiết dạy của thầy Toản thường được vận thành thơ lục bát bỗng trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng đối với học sinh (Muốn cho đất có nhiều mùn/ Cầy sâu dần với phân chuồng tăng thêm/Dần dần đất sẽ tốt lên/Cây trồng xanh tốt hết tên bạc màu)… Những tiết học Thể dục, Quốc phòng của thầy Ngân không chỉ là dịp để rèn luyện thân thể, nâng cao hiểu biết về quốc phòng, an ninh, mà còn là dịp để lũ “thứ ba” chúng tôi tổ chức và tham gia các trò chơi dân gian tinh nghịch mà bổ ích… Các thầy cô không chỉ trang bị cho tôi hành trang tri thức, bồi đắp cho tôi những bài học làm người mà còn khơi dậy trong lòng tôi niềm tự hào về những người thầy khả kính giữa những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, đồng thời cũng khơi dậy trong tôi ước mơ được trở thành nhà giáo…
Niềm mơ ước ấy đã trở thành động lực, thôi thúc tôi quyết tâm thi vào trường Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Đại học, hết thời gian tập sự, như một cơ duyên tiền định, năm 1996, tôi được Sở GD-ĐT điều động về công tác tại trường. Lúc ấy trường mang tên là trường phổ thông trung học Xuân Thủy B. Và cũng thật tình cờ, tôi được lãnh đạo nhà trường phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 10 D, đúng tên gọi và vị trí của lớp tôi học hơn 10 năm về trước, chỉ khác là phòng học cấp 4 khi xưa đã được thay thế bằng mái bằng khang trang, cao ráo hơn. Niềm vui được trở lại trường xưa, tiếp tục được các thầy cô dìu dắt, hoà trong ký ức về thầy cô và những gương mặt bạn bè trong không gian lớp học cũ đã khơi nguồn thi hứng để tôi cảm tác bài thơ “TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA”
Thầy Trần Xuân Trà – Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Trường Thuý (Cựu học sinh Trường PTTH Xuân Trường B).
Có nỗi vui nào bằng trở lại trường xưa?
Những học trò thơ ngây đón tôi vào lớp
Lớp tôi dạy, đúng 10D, mười hai năm về trước
Bàn ghế, bảng đen, chỗ ngồi thân thuộc
Chỉ gương mặt học trò…. như thực, như mơ…
Nhìn các em tôi chợt nhớ thưở xưa
Kỷ niệm cũ ùa về trong nỗi nhớ
Những gương mặt 10D… những chỗ ngồi xưa cũ
Bỗng hiện về trong nỗi nhớ mênh mang…
Lớp học xưa nay đã khang trang
Thầy giáo cũ tóc điểm màu phấn trắng
Nghe đâu đây tiếng thầy xa vẳng
Bao năm rồi vẫn sâu lắng trong tim…
Trở lại trường xưa em vẫn là em
Vẫn là cậu học trò bàn tay thầy dìu dắt
Qua bao năm xa cách…
Có nỗi vui nào bằng trở lại trường xưa?
Và quả thực, được trở về công tác tại chính ngôi trường mình đã học, tiếp tục được các các thầy cô dìu dắt, giúp đỡ khi vẫn còn đang trong bước đường chập chững vào nghề, tôi “như cá gặp nước, như rồng gặp mây” thoả sức vẫy vùng, tha hồ học hỏi những bài học kinh nghiệm về giảng dạy, cũng như những bài học ở đời. Vì thế, trong niềm vui phấn khởi được nối gót, đi trên con đường các thầy cô đã và đang đi, tôi đã cảm tác bài thơ “THẦY TÔI” như lời tri ân sâu sắc tự đáy lòng về những người thầy đã truyền cảm hứng, nâng cánh ước mơ, khơi niềm đam mê để tôi ngày một vững bước hơn trên con đường mình đã chọn:
Khi tôi là cậu học trò
Thầy tôi lặng lẽ chở đò sang sông
Viết lên đôi chữ, đôi dòng
Bảng đen bỗng hóa tấm lòng thầy tôi.
Bụi vương đài trán thầy ơi!
Phấn đầm tay búp thay lời tâm can
Rơi bay hồn phấn lòng vàng
Rơi bay hồn phấn hành trang cho trò.
Có thầy cần mẫn đưa đò
Hạt mầm mơ ước cập bờ hôm nay!
Bụi thời gian dẫu cứ dày
Nào đâu xóa nổi lòng thầy hôm qua…
Rơi trong lời giảng thiết tha
Trên đường gian khó em đà đang đi
Bục giảng xưa mãi khắc ghi
Giảng cho em những lương tri làm người
Có tâm, có chí ở đời
Hạt nhân, hạt nghĩa, em thời chẳng quên
Bụi trần đen trắng, đảo điên
Nào hay, dở, nào chớ nên bận lòng?
Vương bến đục lắng dòng trong
Trên đường gian khó mở lòng yêu thương
Tóc thầy nay đã phủ sương
Thầy như gương sáng soi đường em đi….
(Bài thơ viết theo lối “Khoán thủ”, những chữ mở đầu mỗi dòng thơ được in đậm chính là một phần lời bài hát “Bụi phấn” quen thuộc: “Khi thầy viết bảng….”)
Ngôi trường cũ Trường PTTH Xuân Trường B ( năm 1996 -1999).
03 năm là cựu học sinh và 11 năm công tác tại trường, tôi đã đủ thời gian vừa nếm trải những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của một ngôi trường mới thành lập giữa thời bao cấp, vừa tận mắt chứng kiến bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển đi lên của nhà trường. Đó là năm 1998, sau khi huyện Xuân Trường tái lập, thầy Phạm Tiến Ban đang là Hiệu trưởng trường được cấp trên điều động về làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện; thầy Mai Thanh Quế được điều động về làm Hiệu trưởng trường. Do nhiệm vụ chính trị của địa phương nên trường được đổi tên thành THPT Xuân Trường B và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng trường tại trung tâm huyện lỵ. Kể từ đây, vị thế của nhà trường từng bước được nâng lên. Dưới bàn tay chèo lái tài hoa của các thầy trong BGH, cùng với nhiệt tình, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, vượt lên chính mình của các thầy, cô giáo thời ấy: vừa tích cực giảng dạy ở hai nơi, vừa tham gia tổ chức cho học sinh lao động, một ngôi trường khang trang, bề thế đã mọc lên giữa trung tâm huyện Xuân Trường thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh toàn huyện. Đó là những tiền đề quan trọng, hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tạo nên bước nhảy vọt về chất lượng dạy học ở những năm đầu thế kỷ XXI của trường… Hòa trong không khí chung ấy, cùng bàn tay dìu dắt, giúp đỡ của các thầy, các cô mà tôi đã từng bước trưởng thành, như “hạt cát” bể Đông, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển đi lên của nhà trường. Tôi đã hăng hái tham gia bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh và luyện thi Đại học môn Ngữ văn, tham gia các cuộc Hội thảo, Hội giảng, Hội thi Giáo viên Giỏi cấp tỉnh… và vinh dự được bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng vào tháng 01 năm 2007…
Nhưng bánh xe vô lượng của cuộc đời luôn luân chuyển, xoay vần. Vì sự phát triển chung của ngành giáo dục tỉnh nhà cũng như sự phát triển về quy mô của nhà trường, một phân hiệu của trường THPT Xuân Trường B được tách ra thành ngôi trường mới mang tên là trường THPT Nguyễn Trường Thuý. Tháng 9 năm 2007, tôi được Sở GD-ĐT phân công về công tác tại ngôi trường mới. Dù phải chia tay với ngôi trường như một miền ký ức, lưu giữ cả một khung trời kỷ niệm suốt 03 năm học trò và 11 năm công tác, nhưng tôi vẫn vui vì mình góp thêm một minh chứng về sự phát triển đi lên của nhà trường và vẫn coi đó là nơi chốn đi về trong tâm tưởng. Những lúc được tham dự các buổi hội khoá của các lứa học trò mình trực tiếp giảng dạy ở ngôi trường này, tôi như được “TRỞ VỀ MIỀN KÝ ỨC”, sống lại thời trẻ trung, mơ mộng, thuở thanh tân, như tôi đã từng chia sẻ với các em:
“Ta lại về với lớp cũ, trường xưa
Để sống lại khoảng trời mơ… một thuở
Gác lại sau lưng… những lo toan, vất vả
Đắm mình trong … rộn rã … tiếng vui chung
Con đường xưa, có còn dấu rêu phong?
Bóng hình cũ, vẫn in trong ký ức!
Bao kỷ niệm ấp iu, nơi nồng ngực…
Bỗng hiện về… náo nức mãi trong tim…”
Ai đã đi qua một thời cắp sách mà chẳng mong ít nhất được trở về một lần – miền ký ức, với ngôi trường xưa. Những kỷ niệm về một thời hoa mộng ùa về, nhẹ nhàng mà sâu đậm, ngọt ngào, chất chứa bao nỗi niềm, nhiều khi khó gọi thành tên! Văng vẳng đâu đây trong tâm trí tiếng trống trường rộn rã, cùng những lời giảng của thầy cô? Thấp thoáng đâu đâu hàng phượng vĩ ngây thơ buông cánh hoa đỏ lựng, hoà với tiếng ve ngân mỗi độ hè qua?… Từng hơi thở của miền ký ức xa xăm mà gần gũi ấy bỗng nhiên hiện về nguyên vẹn như buổi đầu tiên ta bước tới mái trường dấu yêu này… Tất cả đã trở thành hành trang, là nỗi nhớ, là khoảng trời riêng thật đẹp ẩn dấu trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người…
Thầy cô giáo Trường THPT Xuân Trường B chụp ảnh kỷ niệm cùng các cựu học sinh
Với riêng tôi, trường phổ thông trung học Xuân Vinh xưa, trường THPT Xuân Trường B nay còn là nơi gieo mầm ước mơ và nâng cánh cho bao thế hệ học trò biến ước mơ thành hiện thực. Đó còn là nơi giúp tôi cảm nhận được tình thầy trò cao cả, thiêng liêng, nghĩa bạn bè keo sơn, thắm thiết và tình đồng chí, đồng nghiệp sâu nặng, chân thành. Biết bao tấm gương thầy cô đã “ươm những mầm xanh kết trái đơm hoa” và biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường này…. Không ít bạn bè, đồng nghiệp của tôi từng gắn bó với ngôi trường ngày ấy mái tóc đã pha sương, nhiều người vẫn đang công tác tại nơi này, một số người chuyển về giảng dạy ở các ngôi trường thuộc các địa phương khác, một số người đã chuyển ngành, hay đã về nghỉ hưu … Đặc biệt, một số thầy đã vĩnh viễn đi xa trở thành người thiên cổ… Nhớ lại, lòng tôi nhói lên nỗi niềm bùi ngùi, xao xuyến, bâng khuâng… Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng: những người đã từng cống hiến cho mái trường này không ai có thể quên những bước thăng trầm trong tiến trình phát triển của trường. Đồng thơi, những thế hệ học sinh đã từng học tập và trưởng thành dưới mái trường này không thể quên công ơn các thầy cô giáo một thời đã dìu dắt các em đến với ngày hôm nay, như nhà thơ Phi Tuyết Ba đã từng viết
Sông bao nhiêu nước… sông gầy
Cánh đồng gieo chữ… đợi ngày hoa non
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung
Nước trôi về xứ vô cùng
Thương thầy ở lại một vùng phấn bay
Trần Xuân Trà
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thuý