“Tinh hoa” Di sản văn hoá chùa Đại Bi
Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964; lễ hội chùa Đại Bi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 254 ngày 22/10/2020) là sự ghi nhận và vinh danh di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo trên quê hương Nam Trực.
Theo hồ sơ di tích, bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Đại Bi hiện lưu giữ nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị, như: 10 tấm bia và 10 đạo sắc phong thần, trong đó tấm bia cổ nhất khắc vào đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), đạo sắc sớm nhất vào ngày 8 tháng 8 niêu hiệu Cảnh Hưng 28 (1767). Ngoài ra, chùa còn giữ được nhiều đồ thờ tự quý, đặc biệt là cỗ nhang án, khám và tượng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh mang phong cách thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII.
Trong “Tân Biên Nam Định địa dư chí lược” của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1880) Khiếu Năng Tĩnh có ghi: “Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân/Thắp hương cầu phúc, bước chân vui vầy/Thứ nhất thì hội Phủ Dầy/Vui thì vui vậy, không tày chùa Bi”.
Lễ rước trong lễ hội chùa Đại Bi
Theo truyền thống, lễ hội chùa Đại Bi được bắt đầu từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong đó, phần “lễ” bao gồm các nghi lễ trang trọng như: Lễ mộc dục thắng nghì; lễ cúng phát tấu và thi thầy; nghi lễ rước kiệu và khai hội; nghi lễ tế Thánh Tổ. Phần “hội”, ngoài các môn thể thao truyền thống phổ biến như: đánh cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật, đánh đu, đặc sắc có môn vật Chầu Thánh. Theo sử sách, môn vật Chầu Thánh chùa Đại Bi là trò chơi “dân vũ” mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đến với người dân trong vùng, cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trước khi bước vào trận đấu, các đô vật đều phải thực hiện bài “xe đài”, “cuốn chỉ” – đây là thủ tục bái tổ, chào khán giả. Khi “xe đài” 2 đô vật quay về phía đền bái Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nên môn vật ở đây còn có tên gọi là vật Chầu Thánh.
6 tượng rối lớn của “Thập nhị Thánh tượng” – “nhân vật chính” trong môn Ổi Lỗi
Trong lễ hội chùa Đại Bi, có một hoạt động vừa mang yếu tố nghi lễ tâm linh, vừa là nghệ thuật dân gian, đó là nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) – được coi là môn nghệ thuật “độc nhất, vô nhị” trong cả nước. Tục truyền, các thành viên trong phường (hội) phải là nam giới, trang phục truyền thống là áo dài, khăn xếp”. “Nhân vật chính” trong Ổi Lỗi là “Thập nhị Thánh tượng” (12 tượng thánh gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ). Tượng rối lớn còn gọi là “ông Lộng”, trong đó, phân ra các đôi tượng như: “Chúa Lộng” (mang gương mặt của quan văn, quan võ), đôi tượng “Chàng cát” (hay còn gọi là Cóc vàng); đôi tượng “Tùy trắng”. 6 tượng rối nhỏ tượng trưng cho 6 nhân vật gồm: tượng Chàng, tượng hai nàng tiên, tượng ông Chớp, tượng hoàng hậu, tượng ông Mách. Các tượng rối bằng gỗ đặc, cao khoảng 30cm, nặng khoảng 1kg/tượng. Gọi là rối đầu gỗ bởi chỉ có đầu con rối làm bằng gỗ, trang phục phủ vải từ cổ xuống. Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật múa rối Chầu Thánh gồm: 1 trống cái (để cầm canh chuyển làn điệu); 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói (gõ theo trống cái), 1 trống bảng, 2 trống cơm, 2 thanh la. Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật Ổi Lỗi hiện có 26 bài, 32 làn điệu; nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ và cầu cho đất nước “thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối cạn trước nguy cơ bị mai một, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Trực chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở VH, TT và DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL), phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức đào tạo thế hệ diễn viên và nhạc công trẻ để bổ sung cho lớp nghệ nhân rối cạn chùa Đại Bi, góp phần bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật đặc biệt riêng có của huyện./.
Việt Thắng/báonamđịnh