“Thơ dìu nhạc, nhạc chắp cánh thơ” qua những ca khúc của Đỗ Hồng Quân và Nguyễn Hồng Vinh
Đúng dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Trang thơ Người làm báo nhận được bài “Thơ dìu nhạc, nhạc chắp cánh thơ” qua những ca khúc của Đỗ Hồng Quân và Nguyễn Hồng Vinh của nhà phê bình văn học Thành Hạo. Bài viết phân tích có sức thuyết phục về mối quan hệ biện chứng giữa âm nhạc và thi ca, đề cao sự sáng tạo của người nhạc sĩ khi phổ thơ để tạo ra một tác phẩm lắng đọng trong lòng người tiếp nhận, góp phần đắp bồi CHÂN – THIỆN – MỸ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Âm nhạc và thơ ca có mối quan hệ tương giao đặc biệt. Nhạc nhờ thơ mà neo lại, thơ nương nhạc mà ngân vang. Thực tế có không ít nhạc sĩ thành danh với những ca khúc phổ thơ; và không ít nhà thơ được công chúng mến mộ qua những bài thơ phổ nhạc. Khi phổ nhạc cho thơ, có lẽ yếu tố quyết định thành công chính là sự tri âm, gắn bó khăng khít giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, người có nền tảng và thành tựu vững chắc với khí nhạc, bền bỉ khai phá những giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong suốt hành trình sáng tạo của mình, đã cùng rung động với những cung bậc, “tần số” cảm xúc trong thơ Nguyễn Hồng Vinh, để rồi chỉ trong một thời gian ngắn, gần chục nhạc phẩm đã ra đời, để lại trong lòng thính giả nghe nhạc những ấn tượng sâu sắc về con người và cuộc sống. Cùng nghe lại những ca khúc mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ thơ Nguyễn Hồng Vinh, để một lần nữa xác tín về mối lương duyên đặc biệt giữa thơ và nhạc, để thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân trọng sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật giữa nhà thơ và nhạc sĩ.
Nhà báo, nhà thơ, PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh cùng Nhạc sĩ, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – PGS, TS Đỗ Hồng Quân bàn hoàn thiện ca khúc “Lời mẹ”
Có một điều ngẫu nhiên thú vị là, trong hơn mười năm, Nguyễn Hồng Vinh trình công chúng yêu văn học, nghệ thuật 9 tập thơ, thì nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã cho “ra lò” 9 nhạc phẩm phổ thơ Nguyễn Hồng Vinh theo những chủ đề đa dạng. Đó là các ca khúc: Nhớ mẹ, Lời mẹ, Mẹ ơi con sẽ về, Tam Đảo và em, Nước Nga trong tôi, Sau mưa, Mong 1, Mong 2 và Cô giao liên. Trong số 9 bài trên, thì có 3 bài viết về người mẹ, đề cập nhiều góc cạnh lắng sâu trong nội tâm mỗi con người, bởi ai cũng đều có bóng hình người mẹ đi theo suốt cuộc đời. Đó là người mẹ đã sinh ra Nguyễn Hồng Vinh; là người mẹ trong hàng triệu mẹ Việt Nam nén nỗi nhớ thương người con nơi biên giới đã 2 Tết xa nhà, hai lần hoãn ngày cưới để làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19; là nữ bác sĩ gửi đứa con còn bé bỏng cho mẹ chăm nom để vững tâm vào vùng tâm dịch. Thành công lớn nhất của ba nhạc phẩm này là thông qua ca từ và giai điệu mượt mà, Nguyễn Hồng Vinh và Đỗ Hồng Quân muốn chuyển tải một thông điệp có ý nghĩa sâu xa. Đó là lòng biết ơn, tri ân người mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng ta khôn lớn, dạy dỗ ta biết làm người, biết cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc. Và Tổ quốc chính là người Mẹ lớn nhất đã chở che, chỉ hướng cho ta sống đúng đạo lý con người: “Ơi, Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi căn nhà, góc phố, dòng sông” – như lời thơ Chế Lan Viên.
Trong ca khúc Nhớ mẹ, giai điệu da diết hòa quyện với ca từ giàu sức gợi được ca sĩ Trọng Tấn trình bày, đã diễn tả tinh tế, xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng; nỗi phấp phỏng âu lo vượt bao gian nan, vất vả, đắng cay của mẹ năm xưa để chăm bẵm, nuôi nấng các con nên người; cái chập chờn, day dứt trong giấc mơ nhớ mẹ của con hôm nay khi đã lớn khôn, từng trải với đời. Tình yêu thương của mẹ phủ bóng cuộc đời con; và cũng chính nỗi nhớ thương mẹ đã lay thức cuộc đời con, để rồi suốt tháng năm khi đã nên người, mãi canh cánh “ước điều chỉ là điều ước”, cầu mong mẹ được sống lại hôm nay, cho con đền đáp công lao vô bờ của mẹ. Ca khúc tạo được cảm xúc mạnh mẽ với người nghe khi khắc họa sinh động những chi tiết mang tính tự sự, để từ câu chuyện mang tính cá nhân lan tỏa, trở thành tình yêu thương phổ quát rất tự nhiên, chân thực, vẹn nguyên rung cảm, nói thay tiếng lòng của nhiều người.
Bài hát “Nhớ mẹ”
Trong những tháng ngày lịch sử, khi cả nước một lòng bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”, đáp lời sông núi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân rung động cùng nhịp trái tim với nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, cho ra đời hai ca khúc có ý nghĩa, thời sự mà lắng sâu, đó là Lời mẹ và Mẹ ơi con sẽ về. Đây là hai ca khúc gây được tiếng vang và sự lan tỏa rộng, trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch nói riêng cũng như cả nước nói chung trong cuộc chiến chống kẻ thù vô hình cực kỳ nguy hiểm. Ca khúc Lời mẹ được thể hiện bởi nữ ca sĩ Lương Nguyệt Anh diễn tả nỗi thương nhớ, xót xa, mong ngóng của mẹ gửi đến người con trai đang làm nhiệm vụ chốt chặn nơi biên cương trong những ngày xuân về để bảo vệ bình an cho mọi nhà đón Tết. Thâm tâm người mẹ thấu hiểu mọi nỗi vất vả, gian lao nơi tiền tiêu lạnh giá, thấu cảm từng bước chân ra vào khắc khoải của người con gái đang mong ngóng con trai mình, đau đáu chờ đám cưới đã phải hoãn lại suốt hai năm của tuổi xuân ngắn ngủi… Những thanh âm tha thiết mà không bi lụy, đưa người nghe đến cảm xúc hân hoan, tin tưởng đám cưới của đôi bạn trẻ sẽ diễn ra khi “đất nước vẫn còn xuân”. Giai điệu khi khoan nhặt, ngập ngừng, khi da diết, sục sôi đã giúp người nghe tiếp nhận những cung bậc cảm xúc trong nỗi lòng người mẹ; đồng thời chia sẻ những hi sinh thầm lặng mà chẳng thể đếm đong của những người con nơi tuyến đầu chống dịch, chịu đựng cái lạnh buốt thấu xương nơi biên cương Tổ quốc.
Bài hát “Lời mẹ”
Viết về những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch, ca khúc Mẹ ơi con sẽ về với sự thể hiện của nữ ca sĩ Bùi Thu Trang đã khắc họa thật dung dị mà sinh động, sâu sắc về những hi sinh thầm lặng, lớn lao của họ trong cuộc chiến “cứu mạng người ngày đêm”. Thơ và nhạc hòa quyện, lan tỏa mạnh mẽ ngọn lửa của tình yêu, niềm tin và hy vọng. Những hình ảnh xúc động nghẹn ngào, trước ánh mắt hy vọng, trông chờ của những bệnh nhân với thầy thuốc, là khoảng lặng sau những giờ chiến đấu “giữa chiến trường ác liệt”, gạt đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ lời con thơ nói qua điện thoại giữa đêm thay ca trực, mà lòng xót xa, tê tái,… Hiểm nguy là thật, phút yếu lòng là thật; nhưng nghĩ đến nhiệm vụ cao cả là “cứu mạng người thiêng liêng”, lại củng cố niềm tin, lòng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của những chiến sĩ áo trắng qua giai điệu hào hùng của âm nhạc cổ súy sự hi sinh cao thượng của người thầy thuốc, thật đáng trân trọng xiết bao!
Bài hát “Mẹ ơi, con sẽ về”
Bên cạnh chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, thì chủ đề tình yêu đôi lứa cũng là sự giao cảm và đồng điệu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trong ca khúc Tam Đảo và em là những hoài niệm không mờ phai về tình yêu sâu nặng mà đượm màu huyền ảo. Vùng đất “vừa lạ, vừa quen” ấy thấm đẫm hơi ấm kỷ niệm một thời yêu đương nồng cháy, với tri kỷ, tri âm – tạo nên sức sống và suối nguồn cảm hứng sáng tạo,… Giọng hát trữ tình của ca sĩ Ngọc Quy đưa người nghe du ngoạn giữa hai bờ thực – ảo, cùng sẻ chia một “miền em da diết”, sâu thẳm giữa mây trời Tam Đảo “bồng bềnh như mái tóc em”, mang sức cảm và sức gợi sâu xa…
Bài hát “Tam Đảo và em”
Cũng viết về tình yêu say đắm với bao dư vị như thế, nhưng ca khúc Sau mưa lại mang đến một cảm nhận mới mẻ, trẻ trung, xao xuyến. Một tình cảm tinh tế mà lắng đọng; một kỷ niệm tinh khôi, ngọt ngào cùng những rung động, thổn thức trước những tia nắng sau cơn mưa mùa hạ. Với giọng ca mượt mà của nữ ca sĩ Thùy Chi, tình yêu chẳng bao giờ cằn cỗi, bởi sau mưa lại nảy chồi, đơm lộc. Bản nhạc với giai điệu trong trẻo, nhẹ nhàng đã truyền tải trọn vẹn những hình ảnh đầy chất thơ trong trái tim yêu nồng nàn của nhân vật trữ tình trong bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh. Cái đẹp là sự hài hòa; và chính sự hài hòa giữa âm nhạc và ca từ trong ca khúc này, đã tạo nên dấu ấn sâu đậm và chỗ đứng vững chắc cho ca khúc, bởi sự tìm tòi sáng tạo trong cách tiếp cận và cách chọn cung bậc biểu cảm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về chủ đề tình yêu đôi lứa.“
Bài hát “Sau mưa”
Đi sâu vào chủ đề tình yêu, với hai ca khúc Mong 1 và Mong 2, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã khai thác thể nghiệm sự sáng tạo độc đáo để chuyển tải tính khái quát của hình tượng thơ. Ở bài Mong 1, chính sự bao dung vượt lên và hóa giải những lầm lỡ, những giận hờn, thinh lặng của tình yêu đôi lứa; sự bao dung, cảm thông, sẻ chia giữa hai bạn trẻ được ca sĩ Minh Đức thể hiện, đã mở rộng biên độ cảm xúc, nhắc nhở mỗi người hãy sống hết mình và giữ mãi tình yêu trong sáng ấy. Một triết lý nghệ thuật sâu xa đã được nhạc sĩ thể hiện sinh động, tràn đầy sức sống bằng giai điệu thật nồng nàn, da diết.“
Bài hát Mong 1
Khai thác dòng suy tư trong tình yêu, ở ca khúc Mong 2, nhạc sĩ đã thấu cảm trọn vẹn tư tưởng, ý tứ nghệ thuật của tác giả bài thơ, phát huy cao nhất sức mạnh ngôn ngữ âm nhạc để thổi bùng ngọn lửa cảm xúc của người nghe. Qua giọng hát đầy nội lực của ca sĩ Đào Tố Loan, nét nhạc vút cao sang trọng, lột tả sâu sắc những dằn vặt, khát khao cùng niềm tin cháy bỏng, mong đến một ngày hạnh phúc không xa. Chân lý nghệ thuật đã chạm đến chân lý của cuộc đời, đi qua ngày mưa, ta mới hiểu và yêu những ngày nắng; qua giá lạnh mùa đông mới thấu hết giá trị những ngày xuân,… Nhạc và thơ đã thực sự hòa quyện, giúp người nghe trải nghiệm những hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt; chia sẻ triết lý sâu sắc về tình yêu và cuộc sống, về lẽ thiệt hơn, được mất, về giá trị đích thực trong cuộc đời mỗi người, đã và đang sống, đang yêu ở những mốc thời gian cụ thể…
Bài hát Mong 2
Với ca khúc Nước Nga trong tôi đã chinh phục không chỉ những người từng học tập, công tác ở nước Nga, mà cả những ai chưa đặt chân đến nước Nga. Thành công ấy, có lẽ trước hết bởi cả nhạc sĩ và nhà thơ đều đã có thời gian dài học tập và gắn bó tuổi thanh xuân sôi nổi của mình với nước Nga tươi đẹp. Bài hát là lời tri ân đặc biệt với đất nước, con người và văn hóa Nga vĩ đại. Ở ca khúc này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, lồng ghép một cách tự nhiên những biểu tượng của hai nền văn hóa Nga – Việt để khắc họa và biểu đạt nỗi nhớ, tình cảm dung dị, chân thành của bao người, đã nuôi dưỡng tình cảm sâu nặng với nước Nga – quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. “Sóng Hồng Hà gọi sóng Vôn-ga”; nơi ấy có “những bà mẹ Nga yêu tha thiết nước Việt Nam ta”,… Những nét nhạc sóng đôi đã được ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện, diễn tả sâu sắc sự gắn bó, tình yêu đậm sâu không biên giới giữa hai dân tộc Việt – Nga, dù cách trở xa xôi vẫn ắp đầy tin yêu và hy vọng!
Bài hát “Nước Nga trong tôi”
Để có non sông liền dải, phát triển và tươi đẹp như hôm nay, chúng ta không quên hàng triệu người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là đội quân “Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó có các chiến sĩ giao liên. Với sự nhạy cảm chính trị và năng lực sáng tạo nghệ thuật dồi dào, Đỗ Hồng Quân khi đọc bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh đăng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), chỉ sau 3 ngày, anh đã phổ bài thơ Cô giao liên ở Ba Lòng (sau này mang tên Cô giao liên). Trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành, các công đoạn để hoàn thiện nhạc phẩm rất khó khăn, anh vẫn kiên trì, sáng tạo mọi cách làm để biểu thị truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; nhờ vậy, ca khúc được hoàn thiện sát ngày Quốc khánh 2/9. Với giọng hát trầm hùng, sâu lắng của ca sĩ Viết Danh, làm nhiều người nghe rơi lệ, tự nhủ lòng: hãy sống xứng đáng với các anh hùng, liệt sĩ, cùng chung sức, chung lòng xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường!
Bài hát “Cô giao liên”
Thành Hạo