Mùa niễng
Hàng năm, khi những cơn gió heo may se sẽ về, trong hơi gió còn mang theo khí lạnh thì cũng là lúc mùa niễng bắt đầu. Để rồi giữa dọc dài các thôn xóm, tiếng í ới gọi nhau đi thu hoạch, tiếng động cơ xe ì ì chờ vận chuyển niễng, tiếng người mua bán ngã giá củ niễng rộn ràng các xóm nhỏ.
Gia đình ông bà Nguyễn Hữu Cường và gia đình anh Mai Văn Thắng, xã Nghĩa An thu hoạch củ niễng. |
Trên địa bàn tỉnh có một số nơi trồng niễng, tuy nhiên niễng chỉ đặc biệt thích hợp với các chân ruộng thấp, nhiều nước ở xã Nghĩa An (Nam Trực) và huyện Nghĩa Hưng. Niễng trồng trên đồng đất này củ to, trắng tinh, ăn sống hoặc xào lên có vị ngọt mà bùi ngậy, ai được thưởng thức một lần sẽ ấn tượng mãi không quên.
Niễng thu hoạch thành từng bó và được người dân chở về nhà. |
Cây niễng, có nơi gọi là lúa bắp, hình dáng giống cây lau, sậy và thường mọc hoang ở vùng đất trũng. Có hai giống là niễng củ trắng và niễng củ tím. Trong đó, giống niễng ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên là giống niễng tím, củ nhỏ, đốt dày, nhiều xơ nên ít được sử dụng; giống củ trắng được trồng nhiều ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng. Gia đình anh Mai Văn Thắng, xóm 8 thôn An Lá 2, xã Nghĩa An có 2,5 mẫu niễng. “Ăn Tết xong xuôi, trời hãy còn lạnh cắt da thịt chúng tôi đã bắt đầu một vụ niễng mới. Gia đình tôi sẽ đào những gốc niễng còn sót lại từ mùa thu hoạch trước rồi cấy trở lại chân ruộng. Với các hộ gia đình trồng niễng ở Nghĩa An, mùa niễng đều được bắt đầu theo quy trình như thế”, anh Thắng cho biết. Sau khi cấy 2 tháng, gia đình anh Thắng tập trung làm cỏ trên các ruộng niễng. Cỏ lên đến đâu, vợ chồng anh nhổ đến đó, tuyệt nhiên không dùng một giọt thuốc diệt cỏ nào. “Quá trình trồng cấy cây niễng, chúng tôi đặc biệt “kiêng” sử dụng các loại thuốc hoá học. Nếu dùng thuốc, người nông dân có thể sẽ đỡ vất vả cũng như hạn chế được các loại sâu bệnh cho cây. Tuy nhiên, như thế cây niễng sẽ không còn “sạch”, không đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng. Chúng tôi không đánh đổi giá trị kinh tế lấy những điều đã thành “thương hiệu” niễng Nghĩa An”, anh Thắng khẳng định. Trồng niễng, vì thế cũng theo anh Thắng, tốn công mất sức nhất là khâu làm cỏ. Có khi làm phía trước xong, nhìn lại ruộng niễng phía sau đã lại thấy cỏ mọc. Phải mất khoảng 5 tháng sau khi trồng, niễng mới bớt cỏ. Niễng càng tốt, độ che phủ càng nhiều thì càng lấn át được cỏ.
Niễng được tách và bán lẻ tại chỗ. |
Trồng niễng, người nông dân cơ bản là mất công, còn lại hầu như không tốn tiền phân tro. Chỗ nào chân đất quá xấu, tháng 8 ngớt mưa, các hộ gia đình bón thêm ít NPK, bổ sung dinh dưỡng cho đất, cho cây. Là loại cây “dễ tính”, tuy nhiên niễng khá “kén” chất đất. Cây niễng phù hợp nhất với những chân ruộng nhiều bùn mục như hồ, ao, đầm nước, bãi bồi ven sông. Niễng còn đặc biệt ưa nước, thích nhất khi gặp trời mưa. Càng mưa nhiều niễng càng tốt, củ càng to càng trắng, càng ngọt. Là cây thân cao, nhiều lá, niễng “kỵ” gặp bão. “Vào tháng 7, tháng 8, ấy là lúc cây niễng đạt độ cao tối đa nên nếu gặp bão thì dễ mùa niễng năm đó của chúng tôi “vứt đi”. Năm nào cũng vậy, đến khoảng thời gian này các hộ gia đình trồng niễng… hồi hộp lắm. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như năm nay, chúng tôi được mùa niễng”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Người dân tranh thủ chở niễng lên các chợ trung tâm thành phố Nam Định để bán. |
Đầu mùa với giá bán 22 nghìn đồng/chục củ niễng, giữa mùa dao động từ 7-10.000 đồng/chục củ niễng, người trồng niễng Nghĩa An đang hy vọng mùa vụ năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá. Theo tính toán của anh Thắng, mỗi sào niễng cho thu nhập từ 6-7,5 triệu đồng/sào. Đặc biệt thời gian gần đây, ngoài thu hoạch củ, lá cây niễng cũng được người dân thu gom bán cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Do lá niễng trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn với người sử dụng nên được các đơn vị thu mua với giá 1 nghìn đồng/kg để làm nguyên liệu chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Với mỗi sào niễng, các hộ dân ở Nghĩa An còn có thêm thu nhập 2-3 triệu đồng từ tiền bán lá. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây, người dân xã Nghĩa An ngày càng nhân rộng diện tích niễng. Ở những chân đất khô cằn hoặc đất cát pha, một số hộ gia đình vẫn trồng niễng cắt bán lá. Một năm 3 lần cắt tỉa, một sào niễng trồng lấy lá cũng cho khoản thu đáng kể.
Củ niễng – đặc sản Thành Nam mỗi độ thu về. |
Mùa niễng chỉ rộ lên trong khoảng một tháng, những ngày này, các hộ gia đình trồng niễng ở Nghĩa An đang tất bật thu hoạch, mua bán niễng. Từ mờ sáng tinh sương, mặc kệ gió lạnh, sương giá, họ đã ra ruộng bới gốc bẻ củ. Mảnh ruộng này, đôi vợ chồng trẻ làm thông trưa không nghỉ cho đến khoảng 2 giờ chiều, trên chân ruộng khác có người lại tranh thủ về nghỉ ngơi. Bẻ hết số củ, những người nông dân hì hục chuyển lên đầu ruộng hoặc về nhà tiện, cắt lọc, phân theo các loại to, nhỏ khác nhau rồi bó thành bó chờ thương lái thu mua hoặc trực tiếp đem đi chợ bán.
Từ những thửa ruộng ngập nước, củ niễng Nghĩa An theo chân thương lái đến nhiều vùng miền cả nước, thậm chí được đặt mua làm quà biếu ra nước ngoài. “Chở” theo vị ngọt bùi của củ niễng là bao mồ hôi, tâm sức của người dân quê chịu khó, kiệm cần. Chỉ mong, mỗi mùa niễng về, mưa gió thuận hoà, được mùa, được giá để “đặc sản” từ những vùng đất trũng Nam Định có cơ hội nhân rộng, đến tay nhiều người yêu thích ẩm thực hương vị quê hương.
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh
Theo Báo Nam Định