Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Nam Định

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Nam Định

Là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tỉnh Nam Định là nơi khởi nguồn, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị dân gian đặc sắc với các nghi thức, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tâm linh được đông đảo cộng đồng tín ngưỡng, thực hành, lưu giữ. Năm 2012, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng; là một trong những thành tố quan trọng của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) thực hành nghi lễ Chầu văn.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) thực hành nghi lễ Chầu văn.

Tại Nam Định, nghi lễ Chầu văn được thực hành rộng khắp ở cả 9 huyện, thành phố với trên 300 di tích phủ, điện, đền, đình, chùa, miếu thờ và phối thờ Mẫu; đặc biệt là các di tích lịch sử – văn hóa trọng điểm như: Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (phủ Nấp), xã Yên Đồng (Ý Yên) – những nơi tương truyền 2 lần Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà văn hóa, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII, sau đó lan tỏa ra các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình và nhiều địa phương trên cả nước. Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ thịnh vượng nhất của “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình. Từ năm 1954 đến năm 1990, do nhận thức và yêu cầu của công tác quản lý văn hóa trong bối cảnh xã hội cụ thể, hầu đồng được xem là hoạt động “mê tín dị đoan”, cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, chiến tranh loạn lạc nên nghi lễ Chầu văn bị mai một. Từ năm 2000 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế – xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ này được khôi phục, phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng; được sân khấu hoá, chắt lọc các tinh túy của nghi lễ để xây dựng thành các tiết mục nghệ thuật trình diễn để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

“Nghi lễ Chầu văn của người Việt” chứa đựng một kho tàng văn hóa dân gian đa dạng, sống động, hấp dẫn như: huyền thoại, truyền thuyết, các hình thức văn học truyền miệng về các biểu tượng văn hóa, ca ngợi đạo đức, công trạng của những nhân vật lịch sử (nhân thần và thiên thần) có công với nước, với dân. Từ nghi lễ này đã sản sinh ra các giá (hầu) đồng và nghệ thuật hát văn, hát Chầu văn. “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là sự tổng hợp nhiều hoạt động tín ngưỡng do cộng đồng sáng tạo và trực tiếp thực hành, trình diễn trong không gian thiêng của di tích, do các thủ nhang, thanh đồng, cung văn, hầu dâng thực hành. Trong nghi lễ có các lớp diễn xướng mô tả hình trạng của các vị Thánh, những làn điệu dân ca, dân vũ trình diễn trên nền nhạc với các loại nhạc cụ truyền thống.

Hát Chầu văn trong nghi lễ có nhiều hình thức/ kiểu hát như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Ở Nam Định, hình thức biểu hiện chủ yếu là hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần. Nhịp điệu và tiết tấu lúc chậm, lúc vừa, lúc nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong các điệu “bồng mạc”, “sa mạc”, “cò lả”… và âm hưởng của Ca trù trong các điệu “bỉ”, “phú nói”, “phú bình”, “phú chênh”, “phú tỳ bà”… cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát Chầu văn. Trong một giá hầu, âm nhạc và hát văn là những yếu tố quan trọng không thể thiếu, góp phần tạo điều kiện cho sự xuất thần của người hầu đồng. Vì thế ban cung văn phải có sự nhạy bén, ứng tác kịp thời, ăn nhịp với các hành động của ông đồng, bà đồng. Cung văn phục vụ trong mỗi giá hầu thường từ 3-5 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban, phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn. Nghi lễ Chầu văn là sự kết hợp hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng dân gian, được quy định chặt chẽ từ làn điệu, lời ca, động tác múa, trang phục, đạo cụ… thành một chỉnh thể. Do đó, nghi lễ Chầu văn trở thành sinh hoạt nghệ thuật tổng hợp, trong đó yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, có sức hấp dẫn đối với những người tham gia một vấn đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ.

“Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Nam Định đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, phục hồi và ngày càng lan tỏa, phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Những cung văn có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ vẫn đang truyền dạy tại chỗ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác. Trong các nguồn cung cấp cung văn cho sinh hoạt nghi lễ Chầu văn ở Nam Định, nhiều thế hệ cung văn xuất thân từ thôn Khả Lang, xã Yên Dương (Ý Yên) và xã Kim Thái (Vụ Bản). Trong đó, xã Kim Thái có cả một phả hệ cung văn gồm các ông: Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… CLB hát văn xã Kim Thái có trên 30 thành viên là những người hát văn dân gian chuyên nghiệp, nghiệp dư, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật Chầu văn. CLB thường xuyên duy trì tập luyện, giao lưu để giữ gìn, phát huy giá trị vốn có của môn nghệ thuật này, góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ Chầu văn đến gần hơn với cộng đồng. CLB hát văn thôn Khả Lang có 25 cung văn chuyên nghiệp, một nửa hiện đang phục vụ cho các cơ sở đền, phủ ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái… Số còn lại thường trực phục vụ nhu cầu hầu Thánh tại các đền, phủ, điện tại Nam Định. Đội ngũ cung văn đông đảo này ngoài năng lực thực hành các nghi lễ hầu đồng còn có khả năng truyền dạy cho các thế hệ sau để duy trì và tạo sức sống bền vững cho “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Nam Định. Hiện toàn tỉnh có hơn 500 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ Chầu văn gồm những người hầu đồng, hát văn và sử dụng nhạc cụ; trong đó theo bản hội khoảng 150 người, CLB gần 100 người, tự do hơn 200 người. Toàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội; số lượng con nhang, đệ tử thường trực từ 100-300 người; hơn 10 CLB hát văn; 6 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương quan tâm khôi phục và phát huy các giá trị tích cực. Từ nhiều năm nay, các làn điệu Chầu văn được các thế hệ người dân ở vùng đất Phủ Dầy gìn giữ, phát triển. Liên hoan nghệ thuật hát văn, hát Chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát hằng năm là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong chương trình lễ hội. Đến với Liên hoan, có hàng chục cung văn ở khắp nơi tham gia trình diễn nhiều tiết mục hát văn như: Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Lục Cung Nương, Chầu Bé, Chầu Bé Thượng, Quan lớn Tam phủ, Quan lớn Đệ Tam, Chúa Đông Cuông, Chúa Thác Bờ… Vào những ngày thi đều thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương từ khắp nơi về thưởng thức các làn điệu hát văn và các giá đồng. Trong không gian cổ kính, linh thiêng, trong tiếng nhạc lúc dập dìu, réo rắt, khoan thai, lúc rộn ràng, sôi động, những người tham dự được hòa mình cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Ngày nay, những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân khấu hiện đại với hình thức ca múa nhạc dân gian. Các giai điệu hát văn được soạn lời mới với nội dung mang hơi thở và nhịp sống đương đại, ca ngợi quê hương đất nước, tuyên truyền các vấn đề thời sự chính trị, xã hội giúp đưa các chủ trương, chính sách dễ thấm vào đời sống cộng đồng. Để gìn giữ vẻ đẹp các nghi lễ gắn với nguyên gốc tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng tỉnh chủ trương xã hội hóa các hoạt động liên quan đến sưu tầm, thu thập và triển lãm các nguồn tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ để thực hành nghi lễ Chầu văn ở Phủ Dầy và Phủ Quảng Cung. Nhiều năm qua, Sở VH, TT và DL, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh, tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể: hát ca trù, hát văn, diễn xướng giá đồng; tổ chức các tuyến điểm tham quan hệ thống bảo tàng và di tích tiêu biểu trong tỉnh; tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học về tín ngưỡng thờ Mẫu… Trong đó đặc biệt quan tâm quảng bá nét đẹp của các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy”.

Trải qua thời gian với nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, tại Nam Định nói riêng vẫn đang được các cấp chính quyền và cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại; qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng tín ngưỡng, là nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của Đạo Mẫu Việt Nam.

Theo Báo Nam Định