Tự hào Nam Định quê hương

Câu lạc bộ thơ văn Tiếng vọng Thành Nam là nơi gặp gỡ giao lưu của những người con Nam Định, những người từng sống, làm việc, gắn bó với Thành Nam như quê hương thứ hai của mình. Họ có cùng sở thích văn chương và nặng nghĩa tình với quê nhà Nam Định. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, Câu lạc bộ cho ra đời tập thơ thứ 7 như một món quà xuân dành tặng khách quí và những người thân.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên chúc mừng CLB xuất bản tập thơ 7 Tiếng vọng thành Nam

Nam Định – Quê hương yêu dấu, miền văn hóa “Non Côi, Sông Vị” giàu truyền thống văn chương với những tên tuổi thi nhân lừng lẫy: Tú Xương, Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải… niềm tự hào của người dân Nam Định.

Những người con Nam Định đang sinh sống, làm việc và học tập tại thủ đô Hà Nội cũng như mọi miền đất nước luôn hướng về cội nguồn với tình yêu, nỗi nhớ và niềm tự hào về quê hương đất học Thành Nam.

Câu lạc bộ thơ văn Tiếng vọng Thành Nam của những người con Nam Định và những người từng sống, làm việc, gắn bó với Thành Nam như quê hương thứ hai của mình. Họ có cùng sở thích văn chương và nặng nghĩa tình với quê nhà Nam Định.

Ra đời cách đây 6 năm, là thành viên của Hội Đồng hương Nam Định tại Hà Nội, câu lạc bộ thơ văn Tiếng Vọng Thành Nam thường tổ chức sinh hoạt giao lưu thơ văn vào ngày mồng 7 dương lịch hàng tháng.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Câu lạc bộ đều xuất bản tập thơ văn do các hội viên lựa chọn những bài thơ tâm đắc trong số các bài thơ đã sáng tác của mình.

Xuân Kỷ Hợi (2019), Câu lạc bộ cho ra đời tập thơ thứ 7 như một món quà Xuân dành tặng khách quí và những người thân.

Với gần 230 bài thơ, của 50 tác giả là hội viên và khách mời, Tiếng vọng Thành Nam tập 7 khá dày dặn, hơn 300 trang phản ánh sinh động hiện thực đời sống xã hội với những góc nhìn đa chiều tạo nên sự phong phú về nội dung, đa dạng về nghệ thuật.

Chúc mừng 3 nhà thơ, hội viên CLB vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà Văn  Hà Nội năm 2018

Năm nay, Tiếng vọng Thành Nam lại tiếp tục được nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương gửi thơ đăng. Đặc biệt, nhà thơ Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đồng hương Nam Định, khách mời của CLB Tiếng vọng Thành Nam có bài thơ rất sinh động viết về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Đức Thánh Trần – niềm tự hào của dân tộc ta. Bài thơ “Người Anh Cả” viết về cố Tổng bí thư Trường Chinh – Người con của quê hương Nam Định với tình cảm thân thiết, chân tình: “Bền bỉ Trường Chinh nhân, đức, trí/ Thủy chung tình nghĩa mấy thân thương…”

Tiếng vọng Thành Nam tập 7 số lượng thơ viết về quê hương khá nhiều, hơn 30 bài chiếm 17% số bài thơ in trong tập. Đó là những bài thơ: Quê tôi, Nam Định quê tôi, Hải Hậu quê ta, Về quê, Về quê đón Tết, Về Vị Xuyên, Tình quê, Nhớ quê xưa, Thao thức cùng quê, Nghĩa tình đồng hương, Hạt gạo Xuân Thành, Gái Thành Nam, Gái Xuân Trường, Quả ngọt vườn xưa, Một thời heo may…

Nhà thơ Đỗ Thanh Uyên giới thiệu tập 7 Tiếng vọng thành Nam

Giới thiệu về quê hương Nam Định, tác giả Nguyễn Trọng Cẩn viết những vần thơ đầy niềm tự hào, phấn khởi: “Chợ Viềng nổi tiếng từ lâu/ Du xuân vẫn nhớ qua cầu Đò Quan/ Đến chợ Rồng ra Đại An/ Em mua chuối Ngự về làm quà chung…”

Những bài thơ viết về mẹ kính yêu với những tình cảm thân thương, biết ơn công sinh thành dưỡng dục làm xúc động lòng người. Đó là những bài thơ: Mẹ ơi, Hoa xuân dâng mẹ, Tìm mẹ, Quê mẹ, Lời ru của mẹ… Bài thơ “Đêm mưa nhớ mẹ”của tác giả Vũ Xuân Do, Chủ nhiệm CLB với nhiều liên tưởng, những mong ước thật chân tình làm lay động lòng người: “Con muốn được làm cây lúa mẹ ơi/ Hứa hẹn bội thu mùa vàng trĩu hạt/ Để lòng mẹ dạt dào bao câu hát/ Giai điệu vui… trong khúc nhạc được mùa”

Đó là những bài thơ viết về những người con của quê hương Nam Định đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong bài thơ “Tưởng niệm” của nhà thơ Lê Quang Định viết về nữ thanh niên xung phong Nam Định không ngại hy sinh, lao vào ga Gôi cứu hàng những năm máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc: “C895 nữ thanh niên xung phong phơi phới tuổi xuân thì/ Lao vào ga Gôi cứu tầu thời chống Mĩ/ Bom phá xé trời mịt mù khói độc/ Sát thương hàng loạt bom bi…”.

Đó là các bài thơ về mùa xuân, về tình yêu, về gia đình, về phong cảnh quê hương, đất nước, về thời sự kinh tế – xã hội… những bức tranh đa sắc màu phong phú tạo nên diện mạo và sự hấp dẫn của tập thơ.

Phần văn chương có đoản văn “Em và tôi đi chợ tình Khâu vai” khá hấp dẫn của nhà Nghiên cứu và phê bình văn học Song Vũ Hoàng Phương. Ba bài bình và cảm nhận thơ Hội viên CLB của các tác giả Trần Kim Ngọc và Nguyễn Đình Nguộc. Cuối tập thơ là hai bản nhạc phổ thơ của hội viên CLB Nguyễn Trọng Cẩn và Nguyễn Tiến Lãng. Đặc biệt, bản nhạc “Trái tim hồng” hội viên Đỗ Minh Hằng phổ nhạc dựa theo ý thơ của hội viên Nguyễn Ngọc Cơ góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của tập thơ.

Tự hào Nam Định quê hương

Về nghệ thuật, chất lượng các bài thơ được nâng lên. Những bài thơ khá trở lên năm nay đã tăng rõ rệt. Về thể loại, thơ tự do tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng đã giảm đáng kể so với tập trước, chỉ còn dưới 50%. Thơ lục bát tăng lên, với 109 bài, chiếm hơn 47%.

Đặc biệt thơ thất ngôn bát cú, thất ngôn bát cú liên hoàn chiếm gần 11% (25 bài) của các tác giả: Trịnh VănToản, Hà Bích, Nguyễn Thanh Hà, Lâm Chương, Vũ Thị Phim, Vũ Kiểm, Đỗ Thanh Uyên… Ca trù và hát văn – loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo ở miền quê Nam Định, tăng lên 5 bài (tập trước 1 bài) của các tác giả quen thuộc: Thanh Nhã, Vũ Kiểm, Thanh An. Nhà thơ Cao Ngọc Châu với 30 bài thơ 2 câu độc đáo tạo nên một trong những điểm nhấn của tập thơ. Tác giả Nguyễn Trọng Cẩn tiếp tục “trình làng” hai bài thơ lục bát “Nam Định quê tôi” và “yêu quê” kỳ công, mỗi bài 23 câu, chữ cái đầu theo vần A, B, C… Không ít tác giả chơi thơ, tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm những loại hình nghệ thuật thơ mới lạ góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của tập thơ.

Có thể nói, Tiếng vọng Thành Nam tập 7 là một tập thơ đáng đọc! Đó là tâm huyết và kết quả lao động sáng tạo của 50 Hội viên và khách mời góp phần tạo nên sự thành công của Tập thơ. Đây thật sự là món quà Xuân đầy ý nghĩa để Hội viên, Quý khách và bạn thơ thưởng thức trong dịp năm mới 2019 và Xuân Kỷ Hợi. Tuy nhiên, đây là tập thơ của một Câu lạc bộ nên có thể có những bài thơ bạn đọc chưa thật hài lòng. Hy vọng bạn thơ sẽ tìm được những bài thơ tâm đắc.

NAM ĐỊNH QUÊ TÔI

(Theo 23 chữ cái A, B, C)

Ai về lễ hội Đền Trần

Buổi đêm khai ấn trước sân Rồng chầu

Chợ Viềng nổi tiếng từ lâu

Du xuân vẫn nhớ qua cầu Đò Quan

Đến chờ Rồng, ra Đại An

Em mua chuối ngự về làm quà chung

Gạo tám Hải Hậu thơm lừng

Hòa cùng bánh nhãn, bánh chưng Bà Thìn

Ít nhiều vẫn giữ niềm tin

Kẹo Sìu châu đó đã nhìn là mua

Lại về với biển theo mùa

Mặn mòi Hải Thịnh tranh đua đón mời

Nhìn về Hành Thiện mà coi

Ông Trường Chinh với lớp người nêu gương

Phủ Giầy, xin thắp tuần hương

Quy mô thờ Mẫu, con đường tâm linh

Rồi đi Cổ Lễ – Nam Ninh

Sức dân sáng tạo công trình cổ xưa

Thăm thành phố Dệt bây giờ

Uống “Na Đa” nhớ bạn thơ Thiên Trường

Viếng thăm ngôi mộ Tú Xương

Xôn xao Bến Ngự, nhớ thương cảnh đời

Yêu sao Nam Định quê tôi.

Tác giả Nguyễn Trọng Cẩn

ĐÊM MƯA NHỚ MẸ

Chiều Trường Sơn mây trôi lang thang

Giai điệu buồn mưa rơi rả rích

Tiếng côn trùng rừng hoang cô tịch

Thương mẹ già tần tảo sớm trưa

Thổn thức hoài trong đêm gió mưa

Ruộng nhà ta chắc mẹ vừa mới cấy

Con thương mẹ tiết trời đông ngoài ấy

Rét cắt da …Mẹ vẫn phải xuống bùn

Nhánh mạ non bàn tay mẹ run run

Như nâng niu con, cái thời thơ bé

Tỏa hơi ấm từ trong lòng của mẹ

Cây lúa non, ngay ngắn vững giữa trời

Con muốn được làm cây lúa mẹ ơi

Hứa hẹn bội thu mùa vàng trĩu hạt

Để lòng mẹ dạt dào bao câu hát

Giai điệu vui …Trong khúc nhạc được mùa.

Tác giả: Vũ Xuân Do

QUÊ MẸ

Lòng bâng khuâng về quê mẹ

Con sông Đào ngọt mát phù sa

Hải Hậu quê hương – quê muối đậm đà

Nối đôi bờ cầu Ngói yêu thương

Lòng bâng khuâng về quê mẹ

Lúa ven đồng ngào ngạt hương thơm

Đất quê mình “Quần Anh văn hiến”

“Mỹ tục khả phong” từ ngàn xưa

Đất biển ơi!

Hải Hậu yêu thương tình người đằm thắm

Da diết lời cha “cây đức con trồng”

Tiếng thoi đưa lời ru lòng mẹ

Lòng biển khơi cho tôm cá đầy khoang

Đất biển ơi!

Hải Hậu yêu thương tình người đằm thắm

Thắm ngày hè phượng đỏ tiếng ve

Thắm tình thày trò, bạn bè bao kỷ niệm

Về quê mẹ mùa xuân vui ngày hội

Xao xuyến bâng khuâng…

Thương nhớ! …

Đến nao lòng! …

Tác giả: Trần Thị Hoa Đăng

TIẾNG VỌNG THÀNH NAM

(Thể ca Trù )

Mưỡu:

Giá như không có ta – mình

“Thành Nam tiếng vọng” cũng thành hư vô

Ới ai! … Thơ túi rượu vò

Ngàn sau, lục bát tiền đồ là đâu

Hát nói:

Thành Nam tiếng vọng

Nghe ếch kêu, còn lắng đọng đâu đây

Kìa non sông, đất nước, trời mây

Nọ bến Ngọc, đường Vàng tiếp bước…

Thơ lục bát, vọng lời tổ quốc

Khúc ca trù, dậy tiếng quê hương

Đất học Thành Nam, đạo lý, cương thường

Văn chính khí, thơ Sóng Hồng tuyệt tác

Giòng trào lộng cụ Tú Xương uyên bác

Khi bổng, lúc trầm … dào dạt thanh tao

…. Thành Nam rất đỗi tự hào!

Tác giả Thanh Nhã

BÊN THỀM XUÂN

Phố khuya tiễn biệt đông gày

Sớm mai xuân đến, kịp thay áo rồi

Đã nghe lộc biếc bung chồi

Lây phây mưa bụi đất trời vào xuân

Đào, Mai ủ nụ trên cành

Gió xuân khe khẽ lay mành đó sao?

Thắt lưng xanh, dải yếm đào

Hội chèo Làng Đặng khi nào khai xuân

Tác giả: Trần Kim Ngọc

NẺO QUÊ

(Giao lưu thơ CLB Tiếng Vọng Thành Nam

cùng CLB thơ Việt Nam tỉnh Nam Định)

Cuối thu thấp thoáng mưa bay

Trời se se lạnh cho ngày sang đông

Hội trường rộn rã ấm nồng

Giao lưu thơ phú nối vòng hai quê

Thành Nam Tiếng Vọng tìm về

Thơ Nam Định đón tràn trề tình thân

Nẻo quê xa mấy cũng gần

Lòng vui khôn xiết mỗi lần về quê

Tác giả: Trần Kim Ngọc

THÁNG BA VỀ

Tháng Ba trổ mùa gạo đỏ

Thắp lửa trời quê rực rỡ

Dòng sông ánh màu hoa đỏ

Bóng người… nghiêng nắng hè sang.

Hoa bưởi thơm đêm tháng Ba

Gió xưa thoảng mùa tinh khiết

Tóc em hương bưởi nhiệm màu

Tháng Ba một trời riêng nhớ…

Này hoa xoan tím khoe màu

Mỏng manh đỡ làn gió nhẹ

Đâu rồi từng trang tuổi trẻ

Tay mềm… đậu cánh hoa rơi.

Tháng Ba quê nhà mở hội

Phủ Dầy hiện giữa ngàn xanh

Có người chiều nay tóc trắng

Chầu văn… nhập phía xanh đồng.

Vụ Bản, Xuân 2018

Tác giả: Nguyễn Đình Nguộc