Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 5

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 5

Trong cuộc chiến này, khi giặc tấn công Thiên Trường, tướng trẻ Trần Bình Trọng được giao chặn đánh. Ngày 26-2-1285 cuộc giao tranh quyết liệt diễn ra tại Đà Mạc (thuộc Duy Tiên, Hà Nam ngày nay). Quân ta thua, Trần Bình Trọng bị bắt. Chúng dùng mọi cách dụ dỗ, tra khảo, ông im lặng không thèm trả lời. Giặc hỏi: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Trần Bình Trọng dõng dạc: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Bất lực chúng giết ông một cách hèn hạ, nhưng lời bất hủ ấy vẫn vang vọng mãi. Khí phách Đại Việt là thế, có thể thua (trong chiến tranh được thua là chuyện thường) nhưng quyết không chịu nhục.
Đó chính là khí phách “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Thời giặc Minh xâm lược nước ta, chúng xây thành Cổ Lộng (thuộc xã Yên Thọ, huyện Ý Yên ngày nay) rất kiên cố, làm dinh luỹ trọng yếu để thống trị và đàn áp dân ta suốt khu vực phía Nam châu thổ Sông Hồng. Từ năm 1426 nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hoá đánh ra, bao vây cô lập nhưng vẫn không hạ được. Bấy giờ ở làng Ngọc Chuế (thuộc xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên ngày nay) có người đàn bà tên là Lương Minh Nguyệt bàn với chồng là Đinh Tuấn mở quán bán hàng ở gần thành Cổ Lộng mục đích để dò la tin tức và theo dõi hoạt động của giặc rồi tìm cách báo cho nghĩa quân Lam Sơn biết. Lê Lợi cử Lê Lễ, Lê Thạch đem theo 5.000 quân ra thực hiện kế công thành. Quan quân nhà Minh có thói quen tối đến là chui vào nằm trong túi gai, vừa tránh muỗi, vừa ấm, sai người ở ngoài thắt nút để sáng dậy cứ việc đạp tung túi chui ra. Bà Lương Minh Nguyệt bày mưu đưa các thanh nữ đến chuốc rượu cho bọn chúng say, giúp từng tên chui vào, buộc chặt lại rồi báo cho nghĩa quân tấn công. Thành Cổ Lộng bị hạ, xác giặc ngổn ngang, máu chảy đỏ sông. Ngày khải hoàn Lê Thái Tổ khen: “Sở dĩ trẫm chưa thể đánh Đông Quan được vì thành Cổ Lộng án ngữ. Nay nhờ có phu nhân lập mưu phá được, thật là kỳ công vậy” (“Địa chí Nam Định”). Rồi phong cho Đinh Tuấn là Kiến Quốc trung dũng đại thần và bà Lương Minh Nguyệt là Kiến Quốc công trinh liệt phu nhân.
Đó chính là kết quả tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805 – 1880) quê Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên), chán cảnh quan trường, năm 1845 đang giữ chức Biên tu trong Quốc sử quán ông trả mũ áo về quê dạy học, là người giầu đức độ, tài năng nên hàng ngàn môn sinh tìm đến. Ông đặc biệt quan tâm giáo dạy về lòng yêu nước về “Quốc gia hưng vong sĩ phu hữu trách”. Học trò ông nhiều người nổi tiếng như tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tam nguyên Trần Bích San, các chí sĩ lớn như Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi, Lã Xuân Đại… Năm 1858 giặc Pháp tấn công đánh chiếm Đà Nẵng ngông cuồng xâm lược nước ta. Phạm Văn Nghị dâng “Trà Sơn kháng sớ” thỉnh cầu vua quyết tâm chống giặc cứu nước, đồng thời chiêu mộ thành lập đội quân nghĩa dũng gần 400 người do đích thân ông dẫn đầu vào Kinh đô Huế tham gia đánh Pháp. Vua Tự Đức sợ giặc, chủ hoà không chấp nhận. Phạm Văn Nghị dẫn quân trở ra Bắc lập phòng tuyến tại vùng Núi Già (thuộc xã Yên Bình, huyện Ý Yên ngày nay) tổ chức kháng chiến. Phạm Văn Nghị là người đầu tiên mở ra phong trào Nam tiến chống giặc cứu nước (1859), tạo tiền đề cho cuộc Nam tiến đánh Pháp năm 1946 và đội quân trùng trùng điệp điệp “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” thống nhất đất nước năm 1975.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Tam nguyên Trần Bích San người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (nay là thành phố Nam Định). Ông từng được bổ giữ các chức: Hàn lâm viện tu soạn sung chức Nội các Bí thư sổ hành tẩu, tri phủ Thăng Bình, Điện Bàn, An Nhơn, án sát Bình Định, biện lý Bộ Hộ, trưởng Hàn lâm viện, tuần phủ Trị Bình. Triều Nguyễn hèn nhát nhượng bộ Pháp cắt từng phần đất đai máu thịt của Tổ Quốc dâng cho chúng. Năm 1878 Tự Đức cử ông tham gia trong đoàn gồm năm người đi sứ sang Pháp để làm thủ tục cắt ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho chúng. Phải sang tận Kinh đô ngoại bang dâng đất đai, tài nguyên, khoáng sản mà tổ tiên, ông cha mình đã phải đổ bao mồ hôi xương máu mới có cho kẻ thù, đó là việc làm của kẻ thất phu, chí sĩ yêu nước Trần Bích San thấy uất hận và nhục nhã. Không thể làm cái việc đê hèn đắc tội với dân với nước để lịch sử muôn đời nguyền rủa, Trần Bích San nuốt giấy bản rồi uống nước cho vỡ dạ dầy tự vẫn để giữ trọn khí tiết.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Thành Nam Định được xây vào năm Gia Long thứ ba (1804) “chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc, cao 1 trượng 2 thước 2 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 6 trượng, sâu 6 thước, đắp bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) xây bằng gạch” (“Đại Nam nhất thống chí”). Năm 1858 Pháp xâm lược nước ta. Ngày 27 – 3 – 1883 một lực lượng mạnh do đại tá Rieve chỉ huy đồng loạt pháo kích tấn công phá thành Nam Định. Đề đốc Lê Văn Điếm chỉ huy quân đội triều đình và dân binh chiến đấu ngoan cường. Hàng trăm khẩu thần công từ trong thành nã đạn vào chiến thuyền và đội hình của giặc. Dân chúng tự đốt nhà tạo thành hàng rào lửa và dựng các chướng ngại vật chặn bước tiến của chúng. Rivie tập trung hoả lực công phá cửa thành phía Đông rồi cho bộ binh tràn vào. Cuộc chiến vô cùng ác liệt. Đề đốc Lê Văn Điếm xông pha trong lửa đạn chỉ huy quân sĩ. Ông bị thương rất nặng vào bụng, rút khăn trên đầu xuống quấn chặt cho ruột không lòi ra ngoài và vẫn hiên ngang trên mặt thành kêu gọi mọi người quyết tử thủ cho tới khi gục ngã và trút hơi thở cuối cùng. Khí phách của ông không khác Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy giữ thành Thăng Long.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

                                                                                      Trận Hàm Tử Quan.
                                                                                                  Bà Kiến Quốc.
.                                                           Nghĩa quân Lam Sơn diệt giặc Minh có công bà Kiến Quốc
                                                                                       Nam Định ngày xưa.

Trần Minh Tân