Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 4

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 4

Kết duyên đã 12 năm với Thái Tông Trần Cảnh mà Hoàng hậu Chiêu Thánh chưa sinh con. Sợ không có người nối dõi, triều đình khủng hoảng, xã tắc bất yên, ngoại bang đe dọa, lấy thế là chú, dùng quyền Thái sư Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường vợ của mình là Thuận Thiên khi ấy đang mang thai cho em trai là Trần Cảnh và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Đó là việc làm nhẫn tâm, vô đạo. Nhưng suy xét kỹ thì động cơ quan trọng nhất khiến Trần Thủ Độ phải làm không chỉ vì sự tồn vong của nhà Trần mà là lo cho giang sơn đất nước. Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Đau khổ bất bình, Trần Cảnh từ bỏ ngai vàng đang đêm cùng mấy người hộ giá rời Thăng Long lên vùng núi Yên Tử quyết chí đi tu nương nhờ cửa Phật. Ngày hôm sau Trần Thủ Độ cùng các quan đại thần đến đón vua về Kinh đô. Trần Cảnh khước từ không về. Nài xin không được Trần Thủ Độ bảo mọi người: “Xa giá ở đâu thì triều đình ở đấy”. Rồi truyền lệnh chuẩn bị xây dựng Kinh đô ở vùng núi non hiểm trở này. Đại sư trụ trì chùa Yên Tử chắp nay niệm Phật rồi quay sang Thái Tông nói: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn đón Bệ hạ về thì Bệ hạ không về sao được” (“Thiền tông chí nam tự”). Trước tình hình đó Thái Tông Trần Cảnh phải trở về Kinh đô.

Nguyên nhân dẫn đến việc Trần Cảnh bỏ đi Yên Tử là xung đột giữa ngai vàng quyền lực với đạo lý về tình anh em và ông đã đặt đạo lý lên trên quyền lực. Nhưng khi Trần Thủ Độ bất chấp tiền của và sức dân quyết định xây dựng Kinh đô ở vùng rừng núi ấy, cùng với những lời khuyên của Đại sư thì xung đột lại diễn ra giữa tình anh em (việc nhà) với sự tồn vong của xã tắc (việc nước). Lần này ông đã đặt việc nước trên việc nhà. Có nghĩa đặt “Tổ Quốc trên hết!” mà đành chấp nhận nỗi đau cốt nhục. Tuy vậy ông rất thương anh trai, bảo vệ anh không để Thái sư Trần Thủ Độ giết, rồi phong tước, ban thái ấp cho anh để phần nào giảm nhẹ nỗi day dứt, mong sao vừa thấu lý nhưng bớt cạn tình.

Năm 1257, diệt xong nước Tống đế quốc Nguyên – Mông đe dọa trực tiếp quốc gia Đại Việt. Với giặc phương Bắc nhà Trần chủ trương hoà hữu nhưng lập trường rất vững vàng cương quyết về chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi thế cả nước được lệnh sắm, rèn vũ khí, tăng cường lực lượng, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm đó vua Nguyên cho sứ giả sang. Cậy thế nước lớn quân hùng tướng mạnh y “đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều lăng nhục triều đình, ỷ thân dê chó bắt nạt tể phụ” (“Hịch tướng sĩ văn” – Trần Hưng Đạo) vừa dụ, vừa đe dọa ép vua Trần đầu hàng. Thể hiện khí phách anh hùng của dân tộc Đại Việt, Trần Thái Tông xuống lệnh tống giam sứ giả vào ngục. Đầu năm 1258 đại quân Nguyên – Mông tràn sang xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh. Để bảo toàn lực lượng, quân ta thực hiện “vườn không nhà trống” bỏ ngỏ Kinh thành Thăng Long rút về Thiên Trường. Một số quan trong triều hoang mang lo sợ. Vua Trần Thái Tông hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Vị lão tướng bình tĩnh nói: “Đầu thần còn trên cổ, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói đanh thép đầy bản lĩnh ấy càng làm Trần Thái Tông tự tin và có sức cổ vũ lớn đối với tướng sĩ, cùng thần dân Đại Việt tạo khí thế tấn công như vũ bão khiến quân thù thua liên tiếp. Chỉ 12 ngày sau chúng bị đánh bật khỏi Thăng Long tháo chạy về nước.

Ôm mối nhục thảm bại, giặc Nguyên – Mông chuẩn bị cuộc chiến tranh phục thù. Quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thánh Tông chủ động sẵn sàng đối phó. Cuối năm 1282 triều đình tổ chức Hội nghị Bình Than triệu tập các vương hầu cùng bá quan bàn kế sách phòng thủ. Tại hội nghị này Thái uý Trần Quang Khải được phong làm Thượng tướng Thái sư. Sau đó Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc Công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội. Đó là hai nhân vật trụ cột của triều đình. Họ là anh em thúc bá nhưng trong lòng vẫn trĩu nặng mối bất hoà do tiền bối để lại. Đó là việc Thái sư Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường vợ là Công chúa Thuận Thiên cho em trai là Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông. Dù bất đắc dĩ phải chấp nhận và Trần Cảnh đã đem thân cứu mạng Trần Liễu rồi phong tước, ban thái ấp cho anh, nhưng trong lòng Trần Liễu vẫn căm Trần Cảnh. Trước khi qua đời Trần Liễu nói với con trai là Quốc Tuấn rằng: “Sau này nếu con không vì ta mà lấy lại thiên hạ thì dẫu ta đã ở suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi nhớ điều ấy nhưng trong lòng băn khoăn chưa cho là phải. Nay toàn bộ binh quyền ông đã nắm, thời cơ thực hiện lời trăng trối của cha đã có, nhưng xã tắc đang lâm nguy, thế giặc mạnh áp sát biên cương, sự tồn vong quốc gia ngàn cân treo sợi tóc. Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ướm hỏi hai gia nô là Yết Kiêu, Dã Tượng. Cả hai đều can ông: “Làm việc ấy được phú quý một thời nhưng mang nỗi nhục ngàn năm”. Quốc Tuấn lại ướm hỏi con trai cả là Trần Nghiễn. Nghiễn thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên làm, huống chi lại cùng dòng máu”. Nhưng con trai thứ ba là Quốc Tảng lại khuyên cha nên lợi dụng cơ hội này để có thiên hạ. Quốc Tuấn nổi giận rút kiếm quát lên: “Loạn thần là từ đứa con bất hiếu này”. Ông định giết Quốc Tảng. Trần Nghiễn và những người xung quanh quỳ lạy, khóc lóc van xin ông mới tha, nhưng dặn: “Sau này khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng” (“Đại Việt sử ký toàn thư”). Việc Trần Hưng Đạo sẵn sàng chém chết con trai cho dù trong đầu anh ta chỉ mới xuất hiện ý nghĩ loạn thần chứng tỏ ông đặt xã tắc cao và thiêng liêng hơn cả tình cốt nhục.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Cũng trong dịp Hội nghị Bình Than, Trần Hưng Đạo mời Trần Quang Khải sang thuyền của mình chơi, sai nấu nước lá thơm, rồi hai người đích thân múc dội kỳ cọ cho nhau thật sạch sẽ. Từ đó tình cảm hai vị đứng đầu quan văn và tướng võ ngày càng thân thiết gắn bó khiến vua và các quan ai cũng cảm kích, thần dân biết càng thêm tin tưởng triều đình. Để bảo vệ giang sơn Đại Việt thoát họa xâm lăng cần phải có sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trên nền tảng thương yêu gắn bó từng con người, từng gia đình, từng dòng họ. Việc hai vị quan đại triều tắm cho nhau hàm ý xoá sạch thù nhà để lo việc nước.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Ngày nay các thế hệ hậu sinh chúng ta, nếu trong gia đình, dòng tộc xảy ra việc bất hoà với nhau mà không biết bao dung độ lượng coi tình cốt nhục làm trọng để xảy ra xích mích sâu sắc là ta không biết theo gương tiền bối, chà đạp lên truyền thống cha ông. Nếu trong nội bộ quan chức lục đục mâu thuẫn nhau, không đặt lợi ích của thần dân, của quốc gia, xã tắc lên trên hết, không dàn xếp hoà giải được, làm khó cho tổ chức, đến nỗi cấp trên phải điều người bất tài không xứng tầm từ nơi khác về chỉ bảo thì đó là nỗi nhục, là có tội với nhân dân và các bậc tổ phụ, không xứng đáng người Nam Định, càng không xứng đáng lãnh đạo người Nam Định.

Hãy coi quá khứ lịch sử là tấm gương để soi hiện tại.
Tin tức liên tiếp báo về: giặc tăng cường đại quân áp sát biên giới. Tháng 12/ 1284 vua Trần Nhân Tông mở hội nghị tại điện Diên Hồng mời hàng trăm bô lão là những người giầu uy tín đại diện thần dân khắp thiên hạ về bàn quốc kế. Khi nhà vua hỏi: “Nếu giặc Nguyên – Mông xâm lược, ta nên thế nào?”. Tất cả đồng thanh đáp: “Quyết đánh!”. Đó là sự thống nhất và sức mạnh của lòng dân. Khí thế Hội nghị Diên Hồng càng hun đúc ý chí tướng sĩ. Mọi người đều thích vào tay hai chữ: “Sát thát!” (giặc Nguyên – Mông còn gọi giặc Thát). Thích hai chữ ấy thể hiện tinh thần quyết tử với quân thù.
Đó chính là sức mạnh tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Tháng 5 năm 1285 năm mươi vạn quân Nguyên – Mông do Thoát Hoan chỉ huy tràn qua biên giới nước ta mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai với quy mô lớn. Thế giặc như chẻ tre. Quân ta liên tiếp thất bại. Chúng chiếm Kinh đô Thăng Long và nhiều vùng rộng lớn. Một số triều thần hoang mang dao động, có kẻ hèn nhát làm tay sai cho chúng. Vua triệu Trần Quốc Tuấn đến ướm hỏi: “Thế giặc mạnh như vậy, nay trẫm muốn hàng để cứu sinh mạng muôn dân?”. Quốc Tuấn khảng khái tâu: “Xin bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng. Đầu thần còn, xã tắc còn. Bệ hạ đừng lo”. Nhà vua yên tâm cùng các bá quan bàn kế chống giặc. Trong cuộc đối đầu lịch sử này sức mạnh dân tộc ta được đánh giá qua đối thủ. Đế quốc Nguyên – Mông khi đó đã bá chủ hầu hết châu Á, một phần châu Âu, hơn ba chục quốc gia phải cúi đầu thần phục, trong khi nước Đại Việt ta chỉ có hơn 7 triệu dân, nhưng bằng thiên tài quân sự của mình Trần Hưng Đạo tổ chức phản công. Quân Nguyên – Mông đại bại ở Thiên Trường, Tây Kết, Hàm Tử Quan, Chương Dương… Thoát Hoan hoảng sợ bỏ Thăng Long tháo chạy, đến Sông Hồng bị quân ta chặn đánh y phải chui vào ống đồng như một con chuột mới thoát chết.

Lời bất hủ của Trần Quốc Tuấn giữa lúc tình thế khó khăn nhất thể hiện khí phách dân tộc Đại Việt góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định.

Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ.
Lăng Danh tướng Trần Hưng Đạo tại Bảo Lộc, Nam Định.
     Chân dung Thái sư Trần Thủ Độ
 Đền thờ Danh tướng Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, Hải Dương.

Trần Minh Tân