Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 3

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 3

Nam Định là chốn địa linh bởi anh hùng Nguyễn Huệ đã dùng chính nơi đây làm bàn đạp đánh thẳng vào Thăng Long “Phù Lê diệt Trịnh” sau đó đại phá giặc Thanh xâm lược giải phóng đất nước.

Từ thế kỷ 16 triều Lê sơ bắt đầu khủng hoảng. Các vua Lê Uy Mục (1505 – 1509), Lê Tương Dực (1510 – 1516), Lê Chiêu Tông (1516 – 1522), Lê Cung Hoàng (1522 – 1527) đều hèn hạ đam mê hưởng lạc, tham lam, tàn bạo. Triều chính thối nát, các phe cánh sát hại nhau tranh giành quyền lực. Dưới địa phương thì bọn tham quan vô lại bóc lột đàn áp dân lành. Khởi nghĩa nổi lên khắp nơi.
Trong bối cảnh ấy Mạc Đăng Dung đã giành được ngôi vua, lập ra vương triều mới vào năm 1527. Tuy có ban hành một số chính sách tiến bộ, nhưng nhà Mạc vẫn bất lực không cứu đất nước thoát khỏi hỗn loạn.
Năm 1533 một lực lượng của các cựu thần nhà Lê do Nguyễn Kim từng giữ chức Tả vệ điện tiền tướng quân đứng đầu tìm được Lê Duy Ninh, cháu xa đời của Lê Thánh Tông dựng lên làm vua hiệu là Trang Tông. Vua phong Nguyễn Kim làm Thái tể đô tướng tiết chế các quân dinh tiến hành chống nhà Mạc, lịch sử gọi là thời kỳ Nam – Bắc triều (nhà Mạc cát cứ phía Bắc, nhà Lê phía Nam từ Thanh Hoá vào) kéo dài tới năm 1592 nhà Mạc mới thất bại.
Nguyễn Kim có con rể là Trịnh Kiểm và hai con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng theo cha phò nhà Lê. Trịnh Kiểm hùng tài thao lược nắm giữ binh quyền lộng hành át vua. Năm 1545 Nguyễn Kim chết, cũng do tranh bá quyền lực mà anh em Trịnh Kiểm – Nguyễn Hoàng hiềm khích hình thành hai tập đoàn đối địch nhau dẫn tới xung đột vũ trang. Lịch sử gọi là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài từ 1627 đến 1672. Đất nước bị chia cắt làm hai miền, sông Gianh (Quảng Bình) là cương giới. Họ Trịnh chiếm giữ Đàng Ngoài, họ Nguyễn Đàng Trong. Lương dân vô cùng đói khổ oán hận.
Năm 1771 ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từ ấp Tây Sơn (Bình Định ngày nay) nổi dậy phát động khởi nghĩa đánh bại chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, dẹp tan đội quân xâm lược Xiêm La. Năm 1786 đánh Phú Xuân rồi tiến thẳng ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”. Ngày 11/7 đội quân tiền đạo gồm 400 chiến thuyền do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy đánh chiếm Vị Hoàng thuộc Sơn Nam Hạ làm bàn đạp để tấn công Thăng Long. Sáu ngày sau (17/ 7/1786) đại quân Tây Sơn gồm hơn 1000 chiến thuyền do Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy kéo ra hợp binh với Nguyễn Hữu Chỉnh tại Vị Hoàng xốc thới Thăng Long bắt chúa Trịnh Khải trao lại quyền lực cho vua Lê Hiển Tông, kết duyên cùng Công chúa Ngọc Hân và giữa tháng 8 lại trở vào Phú Xuân.
Năm sau, 1787 Nguyễn Hữu Chỉnh trở dáo giúp Lê Chiêu Thống phản bội Tây Sơn. Cuối năm 1788 bè lũ Lê Chiêu Thống hèn hạ rước 29 vạn giặc Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo sang xâm lược nước ta. Ngày 25 tháng 1 năm ấy Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế hiệu là Quang Trung đồng thời làm lễ xuất quân thần tốc ra Bắc với khí thế như ông nói: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng và có chủ). Lực lượng bộ binh do Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chỉ huy lập phòng tuyến ở Tam Điệp (Ninh Bình), thuỷ binh do viên thống lĩnh tên là Chân đóng giữ tại cửa Đại An (thuộc Sơn Nam Hạ) chờ đại binh của Nguyễn Huệ. Đại binh tới, hội quân, nhà vua hiệu triệu binh sĩ quyết chiến. Ngày 30 tháng chạp hạ đồn Gián Khẩu (thuộc Gia Viễn – Ninh Bình và Ý Yên – Nam Định ngày nay). Mồng 3 tết Kỷ Dậu hạ đồn Hà Hồi. Mồng 5 tết tổng công kích Ngọc Hồi và Đống Đa (Thăng Long). Quân Thanh thất bại thảm hại. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng bị giết. Chủ soái Tôn Sĩ Nghị và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống cùng bọn tàn quân chạy về Trung Quốc.

Về phong thuỷ ở thế “Lưỡng long chầu hải”, kinh tế trù phú, dân cư đông đúc, nền văn hoá lâu đời, địa hình quan trọng, đất khởi nghiệp của nhà Đinh, phát tích triều Trần, là bàn đạp chiến lược của Hoàng đế Quang Trung đánh Thăng Long “Phù Lê diệt Trịnh” và đại phá giặc Thanh…
Nam Định đúng là chốn địa linh.

Không những thế chốn địa linh này còn sinh nhân kiệt.
Nhân kiệt là người có đức độ, tài năng kiệt suất. Tư chất của họ là kết quả của yếu tố bẩm sinh, của nhận thức, tích luỹ, luyện rèn, của kế thừa tinh hoa truyền thống gia đình, dòng tộc, quê hương. Tư chất nhân kiệt Nam Định còn là sự phản ánh những đặc trưng phẩm giá tiêu biểu của người Nam Định. Đó là:
Người Nam Định luôn đặt “Tổ Quốc trên hết!”, sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc.
Tổ Quốc là giang sơn mà từng tấc đất đều thấm mồ hôi, xương máu của bao đời tổ tiên, ông cha chúng ta đã đổ để xây dựng, bảo vệ, giữ gìn cho con cháu.
Tổ Quốc là nơi phát tích cội nguồn nòi giống kết nối gắn bó cuộc sống và tâm linh chúng ta với nhau cùng hồn thiêng sông núi.
Các tổ chức, đảng phái, thể chế chính trị là của và chỉ đại diện cho một bộ phận cộng đồng xã hội, nhưng Tổ Quốc là của và đại diện cho mọi thần dân.
Các tổ chức, đảng phái, thể chế chính trị có thể thoái hoá, biến chất, thối nát, suy đồi, nhưng Tổ Quốc thì không.
Các tổ chức, đảng phái, thể chế chính trị thuộc phạm trù khả biến nay còn, mai mất. Nhưng Tổ quốc thuộc phạm trù bất biến.
Tổ Quốc mãi mãi được tôn thờ, mãi mãi là tình yêu, là niềm tự hào, là người Mẹ vĩ đại nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở cho chúng ta. “Nước mất nhà tan” và chúng ta cũng không tồn tại. Bởi thế mất Tổ Quốc là mất tất cả và ngược lại.
Người Nam Định đặt “Tổ Quốc trên hết!” và sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc là từ nhận thức sâu sắc ấy.
Sau khi Huệ Tông qua đời và nhà Trần đã thay nhà Lý điều hành xã tắc. Chấp nhận thỉnh nguyện của Thái sư Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung triều đình cho phép hai người thành hôn. Mới biết tình yêu của họ từ trước đến nay sâu nặng thế nào. Vậy mà để “cứu đất nước khỏi suy vi” họ sẵn sàng hy sinh khát vọng riêng nhằm thực hiện cuộc bàn giao lịch sử.
Đó chính là tinh thần “Tổ Quốc trên hết!” của người Nam Định

.                                                                  Tượng đài Hoàng đế QUANG TRUNG.
  Nghĩa binh QUANG TRUNG thần tốc ra Bắc đại phá giặc nhà Thanh
   Nghĩa quân QUANG TRUNG diệt giặc Thanh.
 . Cột cờ tại thành Nam Định (cùng thời với Cột cờ ở Hà Nội và ở Huế) biểu tượng “TỔ QUỐC TRÊN HẾT”

Trần Minh Tân