Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 2

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 2

Nam Định là chốn địa linh bởi đây chính là nơi khởi nghiệp của triều Đinh.

Đinh Bộ Lĩnh quê Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, Ninh Bình) mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ là Đàm Nương. Cuối triều Ngô đại loạn. Quốc gia như không có chủ. Các xứ quân nổi lên cát cứ. Vùng đất Nam Định trở thành nơi tụ hội và đối đầu quyết liệt của hào kiệt bốn phương. Đinh Bộ Lĩnh vốn nổi tiếng “hùng tài thao lược” dấy binh tụ nghĩa. Khu vực An Biện (tức làng Bườn thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định ngày nay) là căn cứ đầu tiên và rất quan trọng của ông. Ngọc phả đình Bườn ghi rõ Đinh Bộ Lĩnh đưa thân mẫu ra đây và chính bà đã giúp con trai rất nhiều trong việc tuyển binh luyện võ lo đại nghiệp. (bà qua đời tại Bườn. Hiện di tích lăng mộ bà vẫn còn). Từ An Biện, Đinh Bộ Lĩnh mở rộng nhiều căn cứ khác trên đất Nam Định như Vườn Quan, Dương Hồi (thuộc xã Yên Tiến và Yên Thắng, Ý Yên ngày nay)…

Trong số 12 thế lực nổi dậy thì xứ quân do Ngô Xương Xí làm thủ lĩnh mạnh hơn cả. Ngô Xương Xí là con Ngô Xương Ngập, cháu nội Ngô Quyền nhân danh nhà vua chiêu mộ tướng sĩ, lại được thừa hưởng lực lượng của triều đình cát cứ ở Bình Kiều (thuộc Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hoá ngày nay) có hào sâu, thành luỹ kiên cố. Sau mấy lần đánh phá không được, Đinh Bộ Lĩnh rút về củng cố lực lượng. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ 10 khi đã đủ mạnh, ông trực tiếp chỉ huy đại binh xuất phát từ An Biện mở cuộc tấn công quyết định vào Bình Kiều. Trước thế lực hùng hậu và tinh thần dũng mãnh của nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh, biết không thể chống cự được, Ngô Xương Xí xin hàng. Thừa thắng Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan các xứ quân còn lại, thống nhất thiên hạ, năm 968 lên ngôi Hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt. Đóng đô ở Hoa Lư vì đó là quê hương ông lại có địa hình hiểm yếu, nhưng vẫn lấy vùng đất An Biện mở rộng làm hậu cứ và củng cố vương triều của mình.

Nam Định là chốn địa linh bởi đây chính là nơi phát tích triều Trần.
Khởi tổ họ Trần là Trần Kình, làm nghề chài lưới, đến đánh cá trên sông Châu Giang rồi định cư ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường (thuộc xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc ngày nay). Trần Kình sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh Trần Lý. Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung. Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh.
Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ (cháu gọi Trần Lý là chú họ) đều là quan đại phu triều Lý. Triều Lý suy, quan lại tham nhũng, lương dân đói khổ nổi loạn khắp nơi chống triều đình. Kinh đô bị đe dọa. Vua Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá và cho Thái tử Sảm về lánh nạn ở nhà Trần Lý. Thấy Trần Thị Dung xinh đẹp nết na Thái tử Sảm đem lòng yêu và muốn lấy làm vợ. Trước đó Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đã nặng tình nặng nghĩa và vẫn gắn bó sâu sắc. Để giữ và củng cố địa vị của mình cùng những người anh em họ Trần trong triều đình nhà Lý nhằm lo việc lớn vì xã tắc Trần Thủ Độ đành nén chịu, hy sinh tình yêu của mình để Trần Thị Dung kết duyên với Thái tử Sảm.

Không những thế, ông, Trần Thừa và Trần Tự Khánh còn cất quân đi dẹp loạn giúp nhà Lý. Năm 1210 Lý Cao Tông băng hà Thái tử Sảm được nối ngôi làm vua hiệu là Lý Huệ Tông, phong Trần Thị Dung là Nguyên phi và Trần Thủ Độ là Chỉ huy sứ quản lĩnh cấm quân. “Đến năm 1216 phong Nguyên phi Trần Thị Dung lên Hoàng hậu, phong Trần Tự Khánh làm Thái uý phụ chính và Trần Thừa làm Nội thị phán phủ” (“Đại Việt sử ký toàn thư”). Lý Huệ Tông bất tài, hèn yếu nhu nhược, Thái hậu Đàm thị tác quái ức hiếp vua và Hoàng hậu, dung túng cho Đàm Dĩ Mông lộng quyền, chính sự càng đổ nát. Để thâu tóm quyền lực Thái hậu tìm cách loại bỏ những người họ Trần bằng cách vu Trần Tự Khánh có âm mưu làm phản, lấy cớ Trần Thị Dung thông đồng với anh bạo loạn ép phải uống thuốc độc tự sát. Trước tình thế bức bách ấy Lý Huệ Tông phải bí mật rời bỏ Hoàng cung cùng phu nhân trốn đến nơi đóng quân của Trần Tự Khánh. Từ đó vua Lý hoàn toàn phụ thuộc vào thế lực của anh em họ Trần.

Năm 1217 Lý Huệ Tông phát bệnh cuồng không làm chủ được bản thân. Năm 1224 bệnh càng nặng, các danh y đều bó tay, tình hình chính sự rất rối ren. Nhà vua không có con trai. Hoàng hậu chỉ sinh với ông được hai công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Mọi việc vua đều giao cho Trần Thủ Độ. Triều đình, quan lại nhà Lý thối nát, thiên tai mất mùa liên tiếp, lương dân đói khổ cùng quẫn, giặc dã nổi lên khắp nơi, ngoài biên ải quân Nguyên – Mông ráo riết chuẩn bị tấn công xâm lược. Tình thế nguy ngập, Trần Thủ Độ bàn với Trần Thừa: “Lúc này chỉ có họ Trần thay họ Lý mới cứu được đất nước khỏi suy vi”. Cả hai đều cho là phải. Để củng cố vững chắc thêm vai trò họ Trần trong triều đình nhà Lý, Hoàng hậu Trần Thị Dung gả con gái lớn của mình là công chúa Thuận Thiên cho Trần Liễu con trai cả của Trần Thừa, anh ruột mình. Đồng thời Trần Thủ Độ bàn với Hoàng hậu Trần Thị Dung vận động Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Công chúa Chiêu Thánh làm vua hiệu là Lý Chiêu Hoàng (1224) rồi vào chùa đi tu. Sau đó tạo điều kiện để Trần Cảnh, con trai Trần Thừa được thường xuyên vào cung gần gũi Lý Chiêu Hoàng. Khi tình bạn thoáng đôi chút yêu thương của đôi trẻ vừa nảy nở, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung lại dàn xếp để Lý Chiêu Hoàng kết duyên với Trần Cảnh (các thế hệ xa xưa hứa hôn hoặc kết hôn khi tuổi còn rất trẻ) rồi tự nguyện hạ chiếu nhường ngôi cho chồng. Bằng đẳng cấp chính trị siêu phàmTrần Thủ Độ có Trần Thị Dung trợ giúp đã thực hiện cuộc bàn giao quyền lực tuyệt vời không đổ máu, hợp quy luật lịch sử, cứu đất nước khỏi suy vong, thoát được cuộc chiến tranh xâm lược của giặc phương Bắc.

Nhà Trần mở ra một kỷ nguyên mới khởi đầu là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) anh minh, đưa quốc gia Đại Việt tới đỉnh chói lọi vinh quang suốt 175 năm.

 Đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết chế TRẦN HƯNG ĐẠO

                                                                           Hội Đền Trần

Trần Mimh Tân