Quê Nam Định Người Nam Định – Kỳ 1

LTG:  BÀI VIẾT NÀY TÔI KHÔNG CHỈ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI CÙNG QUÊ NAM ĐỊNH VỚI TÔI, MÀ CŨNG RẤT TRÂN TRỌNG GỬI TỚI MỌI NGƯỜI VIỆT NAM THÂN YÊU CỦA TÔI. (Bài đăng nhiều kỳ).

Nhà văn Nguyễn Đắc Trung

.Quê Nam Định
NGƯỜI NAM ĐỊNH

Kỳ 1

Nam Định vốn là đất cổ.

Thời Hùng Vương thuộc bộ Lục Hải (một trong 15 bộ của nước Văn Lang). Thời bị giặc phương Bắc đô hộ, dưới triều Hán thuộc quận Giao Chỉ; triều Ngô (Tam quốc) thuộc Giao Châu; triều Lương thuộc quận Ninh Hải; triều Tuỳ thuộc quận Giao Chỉ và đầu triều Đường thuộc Châu Tống.

Khi quốc gia độc lập: triều Lý chia cả nước làm 24 lộ, Nam Định thuộc lộ Hoàng Giang; triều Trần thuộc phủ Thiên Trường. Giặc Minh xâm lược chúng đổi Thiên Trường thành phủ Phụng Hoá. Lê Lợi khởi nghĩa đánh tan giặc Minh lập triều Lê Sơ chia nước làm 5 đạo, Nam Định thuộc Nam Đạo. Đời Lê Thánh Tông chia lại thành 12 đạo thừa tuyên, Nam Định là thừa tuyên Thiên Trường. Năm 1469 đổi thành thừa tuyên Sơn Nam. Đời Hồng Đức (1470 – 1497) đổi thành xứ Sơn Nam. Đầu thế kỷ 16 gọi là trấn Sơn Nam. Năm 1741 trấn Sơn Nam chia làm hai lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Nam Định thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đến triều Tây Sơn đổi là trấn Sơn Nam Hạ. Năm 1822 triều Nguyễn Gia Long đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Địa danh Nam Định có từ đấy. Năm 1832 Minh Mạng chia, đặt lại, trấn Nam Định được gọi là tỉnh Nam Định. Năm 1965 dưới chính quyền dân chủ nhân dân Nam Định và Hà Nam sáp nhập thành tỉnh Nam Hà. Năm 1975 Nam Hà sáp nhập thêm Ninh Bình gọi là tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1991 tách Ninh Bình, Nam Định thuộc tỉnh Nam Hà. Năm 1996 Nam Hà tách làm hai, Nam Định được gọi là Nam Định.

Sau 31 năm, đổi mới tư duy, hết nhập đến tách Nam Định lại trở về… Nam Định (!)
Là người Nam Định không thể không biết địa danh, nơi cội nguồn gốc rễ của mình thay đổi thế nào theo lịch sử.
Về địa lý, nhìn từ Thăng Long, trước mặt là biển cả mênh mông ầm ào sóng vỗ. Bên phải Sông Đáy, bên trái Sông Hồng như hai con rồng nước (thuỷ long). Ở giữa là hệ thống Sông Đào, Ninh Cơ, Thiên Phái, Châu Thành, Châu Giang… Giao thông thuỷ bộ thuận lợi. Khí hậu ôn hoà. Hè không nóng lắm. Đông không lạnh quá. Ngập tràn ánh sáng. Lồng lộng gió trời. Đất đai phì nhiêu màu mỡ. Lúa mướt đồng. Rau màu xanh tốt. Cây cối sum suê, phong phú đủ loại bốn mùa đầy hoa trĩu quả. Rất hiếm nơi được thiên nhiên ưu đãi như vậy.

Xét phong thuỷ Nam Định nằm ở thế “Lưỡng long chầu hải” (hai rồng hướng ra biển). Thật là chốn địa linh.
Nam Định là chốn địa linh bởi ở đây nhiều tiềm năng sức mạnh và địa hình chiến lược quan trọng.
Sông Hồng, Sông Đáy là giao thông thuỷ huyết mạch. Từ Kinh đô Thăng Long ra biển và từ biển vào theo đường đó đều phải qua Nam Định. Mặt khác hệ thống đường bộ cũng tạo cho Nam Định thành cánh cung thép của vùng duyên hải. Nam Định lại trù phú về nông nghiệp, sầm uất về thương mại, kinh tế phồn thịnh, dân cư đông, mật độ cao, có bề dầy lịch sử từ thời Hùng Vương lập quốc. Văn hoá Nam Định gồm đủ các loại hình: văn học, triết học, tôn giáo, đạo đức, ngôn ngữ, điêu khắc, hội họa, mỹ nghệ, sân khấu, thời trang, ẩm thực, lễ hội… tồn tại, thử thách, sàng lọc, phát triển hàng nghìn năm đã đạt đến tầm văn hiến, do vậy mặt bằng dân trí khá cao.

Điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và không gian văn hoá lâu đời đã tạo cho người Nam Định những đặc trưng riêng: cao ráo, sáng sủa, ung dung đĩnh đạc tự tin, mắt luôn sáng, miệng luôn tươi, tính tình ôn hoà, phong thái lịch lãm, tư duy mạch lạc, ngôn ngữ chuẩn xác, tâm hồn cởi mở dạt dào cảm xúc, triết lý sâu sắc, mê văn chương, trọng đạo nghĩa, cốt cách chính nhân quân tử, đặc biệt giầu lòng yêu nước, tâm thiện, lòng nhân và rất hiếu học. Khát vọng vươn ra biển lớn, hướng lên trời cao.

Ý thức về tầm quan trọng cả địa thế, nhân tài, vật lực của Nam Định đối với việc bảo vệ chủ quyền độc lập, an ninh quốc gia, phát triển đất nước triều Lý đã cho xây dựng tại đây hai hành cung, một ở Hải Thanh (thuộc Hành Thiện, Xuân Trường) và một ở Ứng Phong (thuộc Nghĩa Hưng ngày nay) để làm nơi dừng chân mỗi khi nhà vua hoặc các quan đại thần đến kinh lý. Sử chép trong 56 năm trị vì có tới 16 lần vua Lý Nhân Tông đích thân tới đây thị sát.
Đến triều Trần, năm 1262 quan Thái phó nhập nội Phùng Tá Chu nhận thánh chỉ của vua về tổ chức xây dựng phủ Thiên Trường trên vùng đất Tức Mặc rất nguy nga, đầy đủ các cung điện, phủ đệ, hệ thống bố phòng, mạng lưới giao thông… quy mô và sự sầm uất chỉ sau Kinh đô Thăng Long, để làm nơi các vua nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng về nghỉ ngơi nghiên cứu Phật pháp, xướng họa thơ văn, nhưng vẫn theo sát tình hình quốc gia đại sự chỉ bảo kèm cặp vua con. Hàng tháng các vua con từ Thăng Long về đây vấn an cha già và xin chỉ giáo. Bởi thế hầu hết các chủ trương lớn có liên quan đến dựng nước, giữ nước đều phát ra từ đây. Có thể coi phủ Thiên Trường là Kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị, pháo đài quân sự của vùng đất đặc biệt quan trọng này.

Luận về vị trí chiến lược đó trong “Dư địa chí” Ức Trai Nguyễn Trãi viết: “Đây là trọng trấn đứng đầu phên giậu phía Nam”. Hơn thế, đó là lá chắn thép che chở cho Kinh đô Thăng Long nếu giặc từ phía Nam ra và là hậu cứ vững chắc nếu giặc từ phía Bắc đến.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đám đông và ngoài trời
                                                        Đêm “Hội Khai ấn Đền Trần Nam Định”
    Quốc ấn có khăc 4 chữ TRIỀU TRẦN ĐIỂN CỐ do đời Minh Mạng (Nhà Nguyễn) đúc và mở lại “Hội Khai ấn” vào giờ Tý ngày                                                                  rắm âm lịch hàng năm mang tính biểu tượng.

 

                                                                                          Bản in Quốc ấn.  
Trần Minh Tân