Phát triển hạ tầng giao thông ở Nghĩa Hưng

Nhằm kết nối giao thông các vùng nông thôn trong huyện với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ để tăng cơ hội giao thương, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn.

Hạ tầng giao thông phát triển, góp phần giúp xã ven biển Nghĩa Hải phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong chương trình xây dựng NTM, các xã, thị trấn đã tranh thủ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp trên hỗ trợ, đồng thời đã sáng tạo trong việc huy động đóng góp của nhân dân tạo ra nguồn lực to lớn cho đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng. Việc góp đất, hiến đất xây dựng các công trình NTM, việc áp dụng rộng rãi hình thức nhân dân tự quản lý, tự thi công và tự tổ chức giám sát các công trình NTM đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân trong huyện. Tại thôn Thành An, xã Nghĩa Phong, để huy động hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông, Ban hương ước và Ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức hội nghị toàn dân với trên 300 người trong làng tham dự để bàn bạc phương thức thực hiện. Trong đó đáng chú ý là việc vận động các hộ dân, nhất là những hộ đã được cấp GCN quyền sử dụng đất từ năm 2001, tự nguyện trả lại cho làng phần diện tích đã lấn chiếm để các trục đường ngang đạt độ rộng từ 7,5-8m như các bậc tiền bối lập làng đã quy hoạch cách đây 125 năm. Nhờ cách tuyên truyền có tình có lý, các gia đình đều tự giác chấp hành giải tỏa và không đòi hỏi đền bù. Đồng thời, thôn thống nhất quy định mức đóng góp đổ đường bê tông trong làng là 120 nghìn đồng/khẩu/năm, thu trong 3 năm; đóng góp làm đường ra đồng là 100 nghìn đồng/sào/năm, thu trong 5 năm. Để các công trình giao thông đạt chất lượng kỹ thuật, Ban Xây dựng NTM của thôn  mời 2 người giám sát cộng đồng. Từ năm 2010 đến nay, thôn xây dựng 1,5km kênh mương trong khu dân cư, 2,9km đường bê tông ra đồng và tuyến đường khu vực nghĩa trang nhân dân với tổng kinh phí trên 1 tỷ 960 triệu đồng… Khi Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường Hồng – Hải – Đông, 54 hộ dân cư ngụ dọc 800m đoạn qua làng Thành An đã nhất trí hiến 3.000m2 đất để tuyến đường đạt chiều rộng 10,4m. Thống nhất vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội,  xây dựng NTM, nhiều hộ tự giải tỏa các công trình như tường rào, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh có trị giá từ 30-50 triệu đồng nhưng không đòi hỏi đền bù. Trong số đó có 2 gia đình tiêu biểu được đi dự hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến do Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội. Năm 2013 chi bộ thôn Thành An được Tỉnh ủy và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen; được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn NTM. Ở Thị trấn Quỹ Nhất, địa phương đã tích cực huy động nguồn lực đóng góp từ các doanh nghiệp, nhân dân, con em xa quê đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông. Tất cả các hạng mục công trình xây dựng ngoài đồng và trong khu dân cư đều được công khai, dân chủ, minh bạch, người dân trực tiếp tham gia vào các công đoạn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán, nhờ đó luôn tạo được sự đồng thuận trong đóng góp công sức, vốn đầu tư và đảm bảo tối đa chất lượng thi công công trình. Vừa qua, Thị trấn Quỹ Nhất tiếp tục bê tông hóa được 7,8km đường ra đồng… Trong khu dân cư đã cải tạo, nâng cấp 1,1km đường bê tông ông Nam ven sông Thạch Giang rộng 3,5m dày 20cm; nhân dân ở 2 bên tuyến đường đã tự nguyện hiến đất ở và tự tháo rỡ công trình bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với diện tích gần 20 nghìn m2 đất ở và hơn 70 công trình. Tổng hợp số liệu trên địa bàn toàn huyện cho thấy, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên toàn huyện đã chuyển biến rõ rệt. 11 tuyến đường trục huyện đã cải tạo nâng cấp được 48/60,1km đạt quy mô cấp IV đồng bằng. Hệ thống đường trục xã dài 247,33km cơ bản đạt tiêu chuẩn cấp V và cấp VI đồng bằng. Giai đoạn 2010 đến nay đã cải tạo nâng cấp được 35km quy mô cấp IV, cấp V đồng bằng. Đường thôn, xóm đến nay đã cải tạo nâng cấp được 542/609,6km đạt chuẩn NTM. Đường trục chính nội đồng đến nay đã cải tạo nâng cấp được 141,2/432km đạt tiêu chí NTM. 35,5km tỉnh lộ 490C qua huyện đã được đầu tư nâng cấp quy mô cấp IV và cấp III đồng bằng. Quốc lộ 37B đi qua huyện (từ phà Đống Cao đến cầu phao Ninh Cường) đã nâng cấp được 10,5/12,7km đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Hạ tầng giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo đời sống văn hóa, sinh hoạt cho nhân dân, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Từ kinh nghiệm đã triển khai và kết quả giai đoạn 1 thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tập trung huy động và tranh thủ các nguồn lực đầu tư cải thiện hệ thống giao thông. Tập trung giải phóng mặt bằng và tiếp nhận các dự án do Trung ương và tỉnh đầu tư trên địa bàn; hoàn thiện cải tạo, nâng cấp đường trục huyện theo quy hoạch đã được phê duyệt, bao gồm: Cải tạo nâng cấp đường Lâm – Hùng – Hải dài 9,03km cấp V đồng bằng, riêng các đoạn qua trung tâm xã nền, mặt đường theo quy hoạch được duyệt. Cải tạo nâng cấp trục đường Thái – Thịnh đoạn từ UBND xã Nghĩa Thái đến đê tả Đào, chiều dài 4km quy mô cấp V đồng bằng. Cải tạo nâng cấp đường Phong – Bình chiều dài 8,5km, quy mô cấp V đồng bằng. Cải tạo nâng cấp đường Thành-Lợi dài 7,5km quy mô cấp V đồng bằng. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư nâng cấp khoảng 5-6km các đoạn đường nối từ đường tỉnh, huyện đến trung tâm các xã, thị trấn và các đoạn đường nối trung tâm các xã, thị trấn theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp 25km đường trục xã; 68km đường thôn, xóm, bảo đảm 100% các trục đường thôn, xóm đạt chuẩn NTM; xây dựng 291km đường trục chính nội đồng, bảo đảm 100% đường trục chính nội đồng đạt chuẩn NTM./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy