Nghĩa Hưng quy hoạch vùng theo hai mũi nhọn kinh tế hướng biển

Với địa thế hẹp, kéo dài, bám sát theo đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh nối với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, huyện Nghĩa Hưng xác định tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Huyện đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Hưng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đường nội đồng xóm 5 Đồng Chiến của xã Nghĩa Lạc đảm bảo theo tiêu chí mới về NTM.
Đường nội đồng xóm 5 Đồng Chiến của xã Nghĩa Lạc đảm bảo theo tiêu chí mới về NTM.

Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 13-15%/năm, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp và xây dựng lên 55-60%, giảm dần và giữ vững tỷ trọng nông, lâm, thủy sản từ 5-10%, còn lại là dịch vụ thương mại, Nghĩa Hưng đã chủ động phân định 3 tiểu vùng không gian phát triển huyện theo mô hình đa cực. Trong đó lấy các đô thị trung tâm và vùng phát triển kinh tế làm hạt nhân, từ đó phát triển các khu vực xung quanh. Không gian vùng phía bắc huyện lấy Thị trấn Liễu Đề làm hạt nhân, phát triển ra xung quanh theo các trục đường chính gồm trục Quốc lộ 37B, trục tỉnh lộ 490C và các trục huyện lộ khác. Không gian vùng khu vực phía nam xã Nghĩa Sơn đã được huyện lựa chọn là vùng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị làm hạt nhân phát triển ra xung quanh theo các trục đường chính gồm tỉnh lộ 490C, đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Không gian vùng phía nam huyện bao trùm là Khu kinh tế Ninh Cơ, trong đó lấy khu vực đô thị Thị trấn Rạng Đông làm hạt nhân, phát triển ra các xã và trục đường giao thông huyết mạch xung quanh như trục tỉnh lộ 490C, trục đường bộ ven biển, đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đặc biệt, Nghĩa Hưng đã lựa chọn 2 mũi nhọn phát triển kinh tế tổng thể của huyện là khu kinh tế Ninh Cơ và khu đô thị thương mại dịch vụ tại xã Nghĩa Sơn. Khu kinh tế Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020. Hiện tại, khu kinh tế Ninh Cơ có tổng diện tích khoảng 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Trong đó, gồm 6 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Hưng là: Nam Điền, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Rạng Đông và toàn bộ vùng bãi bồi ven biển phía nam. Huyện xác định sẽ xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ trở thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và sẽ là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đối với khu đô thị thương mại dịch vụ tại xã Nghĩa Sơn, huyện chủ trương sẽ khai thác lợi thế về giao thông đường bộ và giao thông đường thủy tại khu vực dự án xây dựng tuyến kênh mới kết nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Tại đây, huyện chủ trương quy hoạch xây dựng khu đô thị thương mại, dịch vụ với quy mô khoảng 430ha. Ranh giới vùng bao gồm một phần diện tích đất phía nam xã Nghĩa Sơn và diện tích đất phía bắc xã Nghĩa Lạc. Khu đô thị thương mại dịch vụ sẽ giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trung chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế giữa 2 phía bắc – nam của huyện.

Với định hướng phát triển mạnh về công nghiệp xây dựng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động nông thôn, huyện tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp dệt may, da giày, cơ khí tàu thủy, chế biến nông, thủy sản kết hợp củng cố và phát triển mạnh các làng nghề hiện có. KCN Dệt may Rạng Đông sẽ được tập trung xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2021. Các ngành công nghiệp đầu tư trong KCN bao gồm: Sản xuất may mặc, hàng da, túi xách, kéo sợi, dệt vải, in – nhuộm, sản xuất phụ kiện, bao bì; công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ văn phòng và hỗ trợ khác… Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường hằng năm khoảng 1 tỷ m2 vải cao cấp, thu hút trên 60 nghìn lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành điều chỉnh, bổ sung các CCN, phấn đấu đến năm 2025 có 7 CCN gồm: Nghĩa Sơn, Thị trấn Liễu Đề, Thị trấn Quỹ Nhất, Nghĩa Thái, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh với tổng diện tích khoảng 181ha. Nhằm cụ thể hóa các định hướng trên, tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, huyện đã chủ động xác định các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới với mục tiêu giai đoạn 2015-2020 hoàn thành xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông, phối hợp triển khai đầu tư đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường cao tốc ven biển từ Ninh Bình – Nam Định – Hải Phòng – Quảng Ninh; tuyến đường bộ ven biển qua các xã, thị trấn: Nghĩa Hải – Rạng Đông – Nghĩa Thắng – Nghĩa Tân – Nghĩa Bình – Nghĩa Phong; xây dựng các cầu: Đống Cao, Ninh Cường, Thịnh Long và các cầu kết nối tuyến đường bộ ven biển. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục huyện như đường Nghĩa Phong – Nghĩa Bình, Nghĩa Thành – Nghĩa Lợi; đường Nghĩa Thái – Nghĩa Trung – Nghĩa Sơn. Xây dựng tuyến kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ. Cải tạo, nâng cấp kênh Bình Hải, Ninh Hải. Ngoài ra, các hạng mục hạ tầng dịch vụ xã hội khác cũng được huyện quan tâm đầu tư ưu tiên thực hiện trong giai đoạn phát triển tới như: Khu du lịch sinh thái Rạng Đông, Bệnh viện đa khoa Nghĩa Hưng và Nghĩa Bình. Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái tại xã Nam Điền; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Thị trấn Quỹ Nhất và Thị trấn Rạng Đông. Từng bước hình thành các khu xử lý rác thải rắn tập trung vùng tại Thị trấn Rạng Đông và xã Nghĩa Thái. Về xây dựng NTM, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng ở từng tiêu chí như nước sạch, nâng cấp hệ thống chợ, các tuyến đường trục xã, thôn xóm, đường nội đồng; đầu tư nâng cấp kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng qua các năm; nâng cấp hệ thống trạm y tế các xã và lưới điện ở địa bàn các xã xa trung tâm huyện.

Huyện Nghĩa Hưng đã hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM trong những tháng cuối năm 2017. Cùng với quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Nghĩa Hưng tự tin bước vào giai đoạn mới với kỳ vọng là 1 trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế biển của tỉnh và tiềm năng mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ, thương mại dựa trên một nền nông nghiệp sinh thái bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn