Nam Định và những kỉ niệm 5 lần được Bác Hồ về thăm

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thỏa ước 19/4/1945, Thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà để đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, để chuẩn bị lực lượng, an lòng nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc sẵn sàng cho tiền tuyến lớn, Bác vẫn tổ chức những chuyến đi thăm nhân dân các tỉnh nhưng không báo trước cho địa phương.

Nam Định là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, Người đã để lại trong lòng các tầng lớp cán bộ, nhân dân Nam Định nhiều thế hệ những kỉ niệm sâu sắc.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân trước trụ sở UBND tỉnh, ngày 11/01/1946. Ảnh TL

Ngày 10/1/1946 trở nên đặc biệt với nhân dân Nam Định bởi lần đầu tiên được Bác Hồ về thăm tỉnh nhà. Tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định, Bác đã gặp và nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. Bảy giờ sáng ngày hôm sau, hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân đã họp mặt trước trụ sở UBND tỉnh để chào mừng Người. Tại đây, Bác đã ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Mọi người đều hết sức chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của Người và đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sau đó Bác gặp mặt các cháu thay mặt cho thiếu nhi thành phố Nam Định và thân mật chia kẹo cho các cháu. Trước khi rời thành phố Nam Định, Bác còn đến thăm và tặng quà các cháu mồ côi được nuôi ở nhà tế bần và nhà Dục Anh (đường Hàn Thuyên ngày nay). Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Nam Định vẫn mong được một lần nữa đón Bác về thăm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24/4/1957. Ảnh TL

Và ngày 24/4/1957, điều mong ước đó đã trở thành sự thật: Người về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Cùng đi với Người có đồng chí Lê Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Bác đã đi thăm gần hết các phân xưởng Tơ, Sợi, Dệt, Nhuộm, Chăn… trong nhà máy, vào cả nhà kho và những buồng máy oi bức nhất. Bác luôn luôn vẫy tay đáp lại những lời chào của công nhân, thỉnh thoảng dừng lại xem các máy móc và những thước vải vừa dệt xong. Khi đi qua nhà bông, thấy bụi bông bám vào công nhân, Bác hỏi đồng chí Võ Phong, Phó Giám đốc xí nghiệp lúc bấy giờ: “Ở đây có làm băng bịt miệng cho anh chị em công nhân không?”. Đồng chí Võ Phong đáp: “Thưa Bác có ạ. Nhưng một số anh chị em không muốn đeo vì sợ không tiện ăn trầu.” Nghe vậy, Người ân cần khuyên: “Phải bảo các cô, các chú ấy chịu khó đeo vào, nếu không sẽ hại đến sức khỏe.” Sau khi đi thăm gần hết các phân xưởng, Bác đi bộ cả một quãng đường dài nắng gắt để tới thăm bệnh xá và khu tập thể của Nhà máy. Từ lúc Bác vào thăm Nhà máy Dệt, nhiều đồng bào ở thành phố biết tin kéo nhau đến chờ ở trước khu nhà tập thể. Xe hơi của Bác Hồ vừa ra là hàng trăm người ùa tới vây kín xe, phất mũ nón và hoan hô, mấy lần xe mở máy mà không chạy được. Ngay buổi trưa hôm đó, Bác đã có buổi nói chuyện với anh chị em cán bộ và công nhân Nhà máy Dệt. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đã hỏi thăm anh chị em cán bộ và công nhân, khen ngợi anh chị em công nhân Nhà máy đã có thành tích về nhiều mặt như giữ gìn máy móc, đảm bảo sản xuất, đào tạo cán bộ, biết cất nhắc công nhân, cán bộ là phụ nữ… Song Bác cũng phê bình một số thiếu sót của anh chị em cán bộ, công nhân và khuyên anh chị em cần đề cao kỷ luật lao động: “Nhà máy cũng như quân đội, không có kỷ luật thì không thể trở thành một quân đội tốt, một nhà máy tốt.” Bác cũng nhấn mạnh rằng cán bộ và công nhân Nhà máy phải đoàn kết một lòng trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, cùng nhau bài trừ nạn tham ô lãng phí, Bác nói: “Cán bộ và công nhân phải đoàn kết, điều đó rất cần. Ta làm cách mạng tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, lúc ấy nhân dân và bộ đội ta lực lượng còn yếu, không súng, không tiền mà đánh thắng được cũng là nhờ có đoàn kết. Khó như cách mạng, khó như kháng chiến mà đoàn kết còn thắng lợi, thì làm cho nhà máy tiến bộ có khó bằng cách mạng, bằng kháng chiến không?…”. Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy Dệt cố gắng phấn đấu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất, giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong nhiều năm tiếp theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ngày 13/8/1958. Ảnh TL

Hơn một năm sau, ngày 13/8/1958, Bác về thăm Nam Định lần thứ ba. Người đã đến dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang họp tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên – nơi có thu hoạch vụ chiêm cao hơn cùng kì năm trước gần 59 tấn thóc, đồng thời đang có phong trào thi đua cải tiến kĩ thuật làm mùa. Bác đã nói chuyện với gần 1.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa năm đó và nhắc nhở mọi người ra sức quyết tâm thi đua thực hiện sản xuất thắng lợi. Bác nhắc bà con nông dân: “Thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước lợi nhà… Thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phải đoàn kết giúp đỡ nhau, khuyến khích lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ. Bác cũng nhấn mạnh kinh nghiệm trồng trọt của cha ông ta xưa qua câu tục ngữ: “Một nước, hai phân, ba cần, bốn kỹ thuật”. Đặc biệt, Bác nhắc phải chú ý hết sức trong việc giữ nước phòng hạn, giữ đê phòng lụt. Trước khi ra về, Người đã vào thăm một số gia đình trong xã Yên Tiến và ra tận cánh đồng xóm Đông Hưng. Người rất vui lòng khi thấy ruộng đầy nước, sạch cỏ, lúa lên xanh. Dọc đường đi, nhân dân kéo ra đông nghịt các ngõ và nẻo đường để hoan nghênh Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra, xem xét việc chống hạn tại tỉnh Nam Định, ngày 15/3/1959. Ảnh TL

Ngày 15/3/1959, lần thứ tư Nam Định lại được đón Bác về thăm. Người đã tới Nhà máy Dệt Nam Định, căn dặn lãnh đạo Nhà máy phải làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng, Đoàn. “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng” – Bác căn dặn. Qua các cán bộ Nhà máy, Bác còn gửi lời hỏi thăm đến các anh chị em công nhân và gia đình công nhân vì điều kiện công việc, bác không đến thăm được. Cùng ngày, tại Quảng trường Hòa Bình của thành phố, Người đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Bác cho rằng Nam Định đã cố gắng chống hạn nhưng diện tích bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng tìm mọi cách chống hạn, phòng hạn, mặt khác phải có kế hoạch phòng úng. Bác nhấn mạnh: “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21/5/1963. Ảnh TL

Bốn lần được Bác về thăm, song có lẽ lần ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lòng cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định vẫn là lần thứ 5 – cũng là lần cuối cùng thành Nam được đón bước chân Bác. Sáng ngày 21/5/1963, Bác về dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Nhân dân trong tỉnh nô nức đổ ra đường để thỏa lòng mong ước được trông thấy Bác. Buổi chiều, Bác vào thăm Nhà máy Dệt, khu nhà ở của công nhân, xem triển lãm và đến thăm Bệnh viện tỉnh. Xe Bác đi đến đâu đồng bào kéo đến đông nghịt tới đó. Khi xem triển lãm một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.” Dòng chữ này ngày nay được khắc trên bức phù điêu lớn, đặt trang trọng tại sảnh chính của Bảo tàng tỉnh Nam Định như lời hứa của các tầng lớp cán bộ và nhân dân nơi đây luôn ghi nhớ lời dạy của Bác. Cũng trong lần về thăm này, Bác đặt niềm tin vào nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong tỉnh: “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, dân cần cù, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có. Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kì kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang… Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ.”

Đã gần 80 năm sau lần đầu tiên Bác về thăm tỉnh Nam Định, nơi đây giờ đã phát triển với nhiều nét đặc trưng nổi bật như các ngành nghề truyền thống, là trung tâm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ cả nước, là trung tâm thương mại – dịch vụ phía Nam của vùng đồng bằng sông Hồng, có thành phố Nam Định được xếp hạng đô thị loại I, là một trong số ít tỉnh, thành phố đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới… Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Nam Định luôn tự hào về truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương và nỗ lực phấn đấu để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Người./.

Theo dangcongsan.vn