Nam Định quê tôi

“ Một vùng quê ngàn năm văn hiến/ Mỗi tên gọi gắn bó yêu thương…” Đó là lời ca ngọt ngào, dìu dặt của bài hát “ Nam Định quê tôi” của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú đại tá Cao Hoàng Hà, một người con của huyện Nam Trực, do tốp ca Câu lạc bộ “Thơ văn tiếng vọng Thành Nam” trình bày. Bài hát đã làm xao xuyến những con tim của những người con quê hương Nam Định trong buổi gặp mặt đầu Xuân ( 31.3.2019)

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Vũ Minh – Nguyên UVTW Đảng, Chủ tịch Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Định tại Hà Nội

Từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn, Trấn Sơn Nam hay xứ Sơn Nam là vùng đất phía Nam Thăng Long. Dưới thời Lê Thánh Tông, bản đồ Việt Nam có 13 xứ. Từ triều Tây Sơn thì gọi là Trấn. Từ đó các vùng đất quanh Hà Nội chia thành tứ trấn: Phía Tây gọi là trấn Sơn Tây ( hay xứ Đoài), vùng ven biển phía Đông gọi là trấn Hải Đông ( xứ Đông), vùng phía bắc được gọi là trấn Kinh Bắc, vùng phía Nam gọi là trấn Sơn Nam.

Thủ phủ của trấn Sơn Nam qua những biến thiên của lịch sử được thay đổi nhiều lần. Thủ phủ đầu tiên của trấn Sơn Nam đóng ở Vân Sàng ( Ninh Bình ) sau chuyển về Phố Hiến ( Hưng Yên ). Thời Tây Sơn thủ phủ Nam Sơn chuyển về Vị Hoàng ( Nam Định). Đến thời Minh Mạng với việc thành lập các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình trên phần đất của trấn Nam Sơn Thượng và trấn Nam Định ( trước đó là trấn Sơn Nam Hạ) thì tên địa danh Sơn Nam hoàn toàn biến mất. Nam Định ra đời và hình thành từ đó.
Năm 1965 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Năm 1975, tỉnh Nam Hà nhập với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1991, lại tách thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Năm 1996 chia tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh: Nam Định, Hà Nam.
Dù trải qua bao biến thiên thay đổi, đất và người Nam Định vẫn vẹn nguyên hai chữ “ đồng hương”. Và như ông Nguyễn Như Khoa – Phó Chủ Tịch hội đồng hương Nam Định tại Hà Nội phát biểu tại buổi lễ gặp mặt đầu xuân “ Chúng mình cùng một giọt quê/ cội nguồn dẫn lối tìm về với nhau…”. Vậy là mỗi mùa xuân về, vào một ngày đẹp trời nào đó của ngày đầu xuân những người con của quê hương Nam Định sinh sống làm việc tại Hà Nội lại gặp mặt giao lưu để nói với nhau về quê hương nghĩa nặng tình sâu, để thăm hỏi nhau về sức khỏe, trao đổi với nhau về những câu chuyện làm ăn …

Thật vô cùng cảm động khi Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Vũ Minh – Nguyên UVTW Đảng, Chủ tịch Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Định tại Hà Nội đã gửi lời chào và chúc mừng sức khỏe tới các vị cao niên, các vị lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu là cán bộ cấp cao của trung ương và tỉnh Nam Định, các cháu sinh viên đang học tập tại các trường đại học tại Hà Nội. Cả hội trường ào lên những tràng pháo tay chúc mừng. Người ta thấy ông Nguyễn Văn An – Nguyên UVBCT, Chủ tịch Quốc Hội; Trung tướng Đặng Quân Thụy – Nguyên UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội; ông Vũ Mão –  Nguyên Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội; Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Bùi Văn Nam  … rất tiếc vì công việc bận rộn ông Phạm Hồng Hà – UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nam Định đến từ đầu giờ chào mọi người tặng hoa tặng quà rồi đi công việc; bà Ngô Thị Thanh Hằng – UVTW Đảng, phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương – phó Giám đốc Học viên Quân y gửi hoa và quà chúc mừng. Hội đồng hương huyện Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng… câu lạc bộ nhà báo Thành Nam ( phía Bắc và phía Nam) đã tặng hoa chúc mừng  Hội trường đầy ắp người, phải ngồi ra cả hành lang, kê ghế ngồi ra cả lối đi… mọi ồn ào vụt tắt tất cả đều hướng về bục phát biểu nơi mà ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định báo cáo về tình hình đổi mới và phát triển của quê hương. Ông vui mừng thông báo: 100%  xã của toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Hải Hậu là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh và trở thành huyện  đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Tổng bí thư, chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội về thăm Nam Định đều đánh giá cao về sự đổi mới nông thôn của Nam Định. Các đường cao tốc mới đang xây dựng như: Cao tốc 45km nối Cao Bồ (huyện Ý Yên) với huyện Nghĩa Hưng; đường ven biển nối các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng – Nam Định đang hình thành. Hai con đường này kết nối với khu công nghiệp đang hình thành ở huyện Nghĩa Hưng và kết nối các huyện nam tỉnh với các khu trọng điểm kinh tế trong khu vực. Nhất định tỉnh Nam Định sẽ đổi mới, nhất là các huyện giàu tiềm năng ở phía nam tỉnh. Ông Trần Văn Chung cũng đánh giá cao sự đóng góp của những người con Nam Định xa quê hương, đặc biệt là ở Hà Nội đối với tỉnh nhà.

 Ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định 

Ông Nguyễn Như Khoa – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng hương tỉnh Nam Định báo cáo kết quả hoạt động của Hội. Đó là việc phát huy hoạt động của các câu lạc bộ, các hội đã thành lập như: Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội, Câu lạc bộ Thơ văn “Tiếng vọng Thành Nam”… Các tổ chức này làm phong phú và sinh động thêm các hoạt động của Hội đồng hương, đã làm cho Hội đồng hương khởi sắc về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, ngày 28.6.2018, Câu lạc bộ Nhà báo Thành Nam do PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh làm chủ tịch đã ra đời. Câu lạc bộ đã thu hút hơn 200 cây bút là người con Nam Định đang công tác làm việc, trên khắp các tỉnh thành cả nước. Trang web “Đồng hương Nam Định” đang được xây dựng và triển khai. Các tổ chức Sinh viên Nam Định tại Hà Nội, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên đã tăng thêm hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động.
Hội trường Học viện Hành chính hôm nay như chật lại vì người đến dự quá đông. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh thấy áy náy: Hội trường có chật nhưng tấm lòng của bà con đồng hương Nam Định dành cho nhau luôn rộng mở, kể cả với những người đồng hương chưa bao giờ gặp mặt. Tình cảm đồng hương là tình cảm vĩnh cửu. chúng ta có thể thay đổi chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp nhưng không thể nào thay đổi được quê hương. Chủ tịch Hội đồng hương vui mừng thông báo ông Nguyễn Đức Triều – Nguyên Chủ tịch, Bí thư huyện Hải Hậu… trước khi về hưu là chủ tịch hội Nông Dân Việt Nam người đã gắn bó quá nửa thời gian công tác tại Nam Định cũng về dự buổi gặp mặt, ông Nguyễn Trọng Tài quê hương Nghệ An nhưng đã chọn Ý Yên, Nam Định là quê hương thứ hai của mình, ông đã gắn bó với Hội đồng hương Nam Định nhiều năm qua với vai trò là chánh văn phòng Hội. Đó là những điển hình của tỉnh yêu Nam Định, họ coi quê hương này như quê hương của chính mình.  Lãnh đạo hội cũng có lời chia tay với ông Vũ Xuân Kiều – phó Chủ tịch, Tổng thư kí hội vì tuổi cao nên xin nghỉ từ mùa xuân này. Những điều tâm tình cứ dạt dào mãi khó dứt. “Ta như cánh chim trời”… nhưng không “quên được bến nước quê hương”. Câu hát đó vẫn văng vẳng đâu đây khi ông Trần Văn Tuấn – đại diện hội đồng hương Nam Định tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Thanh Tuấn – Phó chủ tịch hội doanh nhân Nam Định tại Đà Nẵng lên tặng hoa chúc mừng. Thế mới biết người Nam Định dù ở đâu cũng gắn bó với nhau dù chưa biết mặt như Chủ tịch Hội đồng hương Đặng Vũ Minh đã nói “ Nam Định mỗi độ xuân về lại đậm đà tình quê …”
Cuộc vui rồi cũng có lúc… dừng, nhưng khi trở về, trong tôi vẫn còn véo von câu hát chèo của các diễn viên quê hương Nam Định vừa biểu diễn “Con đường đẹp nhất là đường về quê…”

PV