Kỳ 2: Quê hương, Gia đình – Nghĩa nặng tình sâu

Trong cuộc đời, thành công về sự nghiệp của mỗi người, nhất là người chỉ huy trận mạc, đều có điểm tựa vững chắc của người vợ, của gia đình, quê hương, bè bạn. Với Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 2 Đặng Quân Thụy không nằm ngoài quy luật đó.

Vợ ông là Nguyễn Thị Ban, là cô gái dịu hiền, quê đất nhãn Hưng Yên cùng tuổi với ông. Bà cũng là người tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, được Việt Minh giác ngộ, bà hăng hái tham gia các công việc cách mạng giao.

Năm 1944, bà bị phát xít Nhật bắt giam 3 tháng do hoạt động cho Việt Minh. Năm 1948, “duyên trời” đưa bà gặp ông Đặng Quân Thụy tại chiến khu, đúng thời điểm ông đương đảm nhiệm cương vị Trưởng ban biên tập tờ Quân Chính tập san. Hai con tim tràn trề lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng đã hòa vào nhau, trở thành cặp vợ chồng mẫu mực về đức hy sinh và lòng quả cảm.

Tính từ ngày cưới nhau năm 1948 đến khi chiến tranh biên giới kết thúc năm 1989, hơn 60 năm hầu như họ phải sống xa nhau, nhưng sự thủy chung, tình thương yêu không bao giờ vơi cạn. Những năm tháng đánh Pháp và đánh Mỹ, bà tận tâm nhận mọi nhiệm vụ của tổ chức giao và tự học để nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn, thi đỗ vào trường Đại học Dược.

Chính những ngày tháng ông cùng đồng đội ở mặt trận B2 dồn sức cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, thì Phòng nghiên cứu sản xuất thuốc do bà lãnh đạo, đã chế được loại thuốc đặc biệt, vừa để chống dịch bệnh ở chiến trường, vừa giúp tăng cường sức khỏe cho bộ đội. Với những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, bà được phong hàm PGS dược học năm 1980.

Khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội có dịp tháp tùng ông thăm các quần đảo Trường Sa vào tháng 4/1993. Chuyến đi này, ngoài việc thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ ở giàn khoan DK1, đảo Trường Sa lớn và nhiều đảo khác, Đoàn còn có nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu tiềm năng biển, đảo; sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, giữa quốc phòng và văn hóa… để xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một chuyến đi dài ngày, đã giúp tôi cảm nhận phong cách sống hòa đồng, cầu thị của ông; sự tôn trọng lắng nghe ý kiến góp ý của nhiều thành viên khi xây dựng Đề án. Và bao trùm lên các yếu tố đó, là trí tuệ sâu sắc về đất nước nói chung, về quốc phòng nói riêng của một vị tướng đã nhiều năm trận mạc, vào sinh ra tử; đã từng đi dọc dài đất nước bằng đường biển và đường bộ. Người thanh niên trí thức như ông khi được Đảng giác ngộ, giáo dục và rèn luyện thì mọi tiềm năng trong ông đã được phát huy ở mức cao nhất.

Bước vào tuổi 90 đến nay, sức khỏe ông tuy có giảm, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, sự tận tâm với việc dân, việc nước vẫn đau đáu trong ông. Và mỗi khi có việc hệ trọng của quốc kế dân sinh, ông vẫn đi thăm một số địa phương, đơn vị nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, của nhân dân và đề xuất ý kiến với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Rất nhiều ý kiến tâm huyết của ông, nhất là về quân đội, về quốc phòng toàn dân, đã được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.

Với quê hương Hành Thiện, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, hằng năm, ông vẫn dành thời gian về thăm vài lần, đóng góp vật chất chỉnh trang trường học, trồng hàng cây Long não dọc sông làng, dựng từ đường họ Đặng. Bà con, anh chị, các cháu thanh, thiếu niên trong làng đều tụ tập vui vầy quanh ông mỗi dịp về thăm. Tôi được chứng kiến, những dịp lễ trọng, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng nhiều bạn bè, bà con thân thiết đã đến ngôi nhà riêng của ông ở phố Trần Phú thăm hỏi và trò chuyện thân tình. Ông hồ hởi hỏi chuyện mọi người, nhưng khi nói về những tháng năm binh nghiệp hào hùng của ông, thì ông rất kiệm lời và thường lái sang chuyện khác! Cũng vì lẽ đó, tôi và nhiều người gọi ông là Vị tướng khiêm nhường, vị tướng của lòng Dân!

Hà Nội tháng 8/2022

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh