Hiệu ứng từ những bài viết

Tiếp theo các bài của nhà thơ Đặng Huy Giang, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú và nhà thơ Trần Gia Thái về “Thơ Nguyễn Hồng Vinh – Tuyển chọn”, Toà soạn nhận được nhiều phản hồi từ độc giả về các bài bình luận và về tập thơ. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng trích đăng các ý kiến đó.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh với Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 Vũ Hải Sản 

Nhà báo Phạm Hiến, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước cho rằng, những bài bình luận của PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà thơ Trần Gia Thái đã nhận được những cảm nhận, sẻ chia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, đồng nghiệp… Tất cả đều có chung một nhận định về đặc điểm thơ Hồng Vinh là đầy ắp, tình quê, tình người; giọng thơ đằm thắm, thiết tha, dung dị và giàu cảm xúc!

Còn ý kiến từ TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế nhận xét người viết lời bình đã thành “tri kỷ” của nhà thơ Hồng Vinh, không chỉ hiểu, mà còn thấm và cảm thấu cái tình và sự tinh tế của nhà thơ… Họ thực sự đi sâu từng trang thơ để lột tả hết cái dung dị mà uyên thâm, đời thường mà đậm triết lý, cùng với sức sống đầy năng lượng trong con người và thơ Hồng Vinh…!

Nhà báo Kim Toàn, nguyên Tổng Biên tập báo Hải Phòng gửi lời chúc mừng nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh và cho rằng các bài bình của Đặng Huy Giang, Nguyễn Thanh Tú, Trần Gia Thái đều hay, gọn mà sâu sắc.

Tổng Biên tập báo CAND Phạm Khải chúc mừng PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh thật hạnh phúc, khi thơ mới in mà đã có nhiều nhà phê bình, nhà thơ chuyên nghiệp sẻ chia sâu sắc.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Yến, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đánh giá rất cao bài viết của PGS.TS Nguyễn Thanh Tú; từ đó bà hiểu những thông điệp sâu sắc về cuộc đời, về tình người qua thơ Hồng Vinh.

Nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập báo Quảng Trị cho rằng, các bài bình luận vô cùng sâu sắc. Ông tâm đắc câu: “Không cần tưới thêm u uất, cuộc đời của mỗi chúng ta cũng đã thấm đẫm gian lao”. Cho nên thái độ tích cực nhất là hãy mang đến cho nhau sự khích lệ, niềm lạc quan và sự tin yêu cuộc sống. Thơ Hồng Vinh đáp ứng yêu cầu đó. Trần Gia Thái là người rất hiểu về con người và hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh nên đã viết bài bình có độ sâu và sức thuyết phục!

Tổng Biên tập Nguyễn Hồng Vinh với cán bộ, phóng viên báo Nhân Dân tại Đà Nẵng (năm 1998)

Nhà phê bình Hạo Nhiên nhận định: thơ Hồng Vinh không ồn ào, tỉa tót; bật lên tự nhiên, chân thực từ chính thôi thúc của những cảm xúc, trải nghiệm; bám rễ vững chắc vào cội nguồn để rồi bừng lên hương sắc, đầy tin yêu, nhân ái… Những lời bình của nhà thơ Trần Gia Thái là rất chuẩn xác. Hẳn là phải rất trân trọng, đồng cảm, thấu hiểu mới có thể gọi ra những điểm độc đáo ấy; và hơn nữa, lại bằng giọng văn rất chân tình, ấm áp! Đây là sự gặp gỡ đầy nhân văn của hai tâm hồn thi sĩ!

Một Hiệu trưởng trường cấp 3 xúc động với câu thơ “Gió đông thổi dọc kiếp nghèo” ở một bài thơ trong tuyển tập. Ông đánh giá bài bình của nhà thơ Trần Gia Thái viết mượt mà, hấp dẫn. Phần trích dẫn thơ đều chọn được những câu hay, nêu bật được hồn cốt thơ Hồng Vinh. Ông rất vui khi thấy Nguyễn Hồng Vinh xuất hiện đều đặn trên văn đàn, thể hiện sự sung mãn nhất hiện nay. Qua nghiên cứu chặng đường hơn 50 năm cầm bút, với 8 tập thơ, ông mạnh dạn nêu câu hỏi: Có thể coi đó là “hiện tượng thơ Hồng Vinh”?

Ngọc Hân, nữ phóng viên Truyền hình Nhân Dân thường trú tại Cần Thơ cho biết, đúng là khi tiếp xúc nhà báo cũng như đọc thơ Hồng Vinh, chúng tôi được lan tỏa sự lạc quan và rất vui đón nhận; một giọng thơ không ủy mị, luôn chất chứa những tình cảm sâu sắc, lắng đọng về những vùng đất ông đã đi qua.

Ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Hải Phòng đánh giá thơ Hồng Vinh hay, giàu cảm xúc và trí tuệ, lại được nhiều người thông tuệ bình luận nên người đọc hiểu thêm cái tâm, cái tầm của Hồng Vinh.

Còn nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: Tập tuyển chọn thơ và các bài bình luận về tập này là rất hay vì cách đề cập và phân tích có sức thuyết phục.

Nguyên Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Phạm Việt Dũng đánh giá bài bình của nhà thơ Trần Gia Thái đã “nói đúng quá” về thơ Hồng Vinh là sự dung dị, cảm xúc chân thành. Tôi coi thơ Hồng Vinh như giọt sương sớm, đêm ủ tinh anh hồn trời, khí đất, chỉ cần một rạng bình minh lên là long lanh sương rơi…

Đồng môn lớp Sử 3 Đại học Tổng hợp nhân kỷ niệm 50 năm ra trường (1968-2018)

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chia sẻ, ông đã đọc hết các tập thơ và các bài bình luận thơ Hồng Vinh. Ông đánh giá, thơ Hồng Vinh có tính tìm tòi rất cao, lại chân thành. Từ ngữ trong sáng, linh hoạt. Bài nào cũng có câu khiến ông tâm đắc. Trung tướng Hữu Ước chia sẻ thêm, ông thích nhất bài thơ viết về Cha trong tuyển tập thơ. Đánh giá về PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, ông cho rằng PGS.TS Thanh Tú đã có bài bình luận rất kỹ về chất thơ Hồng Vinh. Nhà thơ Đặng Huy Giang đã có bài bình rất bay, dường như hiểu được ngọn nguồn của chất thơ Hồng Vinh, từ đó đem đến cho độc giả sự hiểu biết sâu sắc về phong cách thơ Hồng Vinh.

Nhà báo lão thành, nhà văn uyên thâm Phan Quang rất kiệm lời, cho rằng, thật là mừng khi có nhiều người đọc, người bình thơ Nguyễn Hồng Vinh. Lời đánh giá của nhà văn, Trung tướng Hữu Ước về bài viết của Đặng Huy Giang, Nguyễn Thanh Tú là thỏa đáng. Bài của Trần Gia Thái là bài tốt, có sức hấp dẫn, thuyết phục.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh và cho rằng, thơ anh thấm đẫm nhân văn tạo ra không khí mát lành, góp phần xua đi đại dịch thế kỷ!

Còn Vụ trưởng Trần Viết Lưu, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: bài bình của nhà thơ Trần Gia Thái  là bức hoạ chân dung một tâm hồn thơ lãng mạn, trữ tình, được bồi đắp từ thuở thiếu thời, nơi miền quê nghèo khó. Nhà thơ mang kho hồi ức mênh mang cánh cò qua những miền non nước, hoà nhập ngàn lẻ một câu chuyện tình mướt mát. Những trang sách, trang đời giúp nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh làm nên sự nghiệp thành danh.

Trong Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcova, tháng 7/2017

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh cùng nhà thơ Trần Gia Thái. Ông cho biết đã đọc đi đọc lại bài này, càng thấm đẫm tính nhân văn với rất nhiều cảm xúc chân thành về con người và cuộc sống.

Nhà lý luận Lê Thế Mẫu gửi lời chúc mừng Nguyễn Hồng Vinh và nhấn mạnh rằng: “Đại dịch Covid19 không ngăn được các nhà thơ sáng tạo!”

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc Hội chia sẻ:  Mặc dù tôi không phải nhà thơ, nhưng cũng hiểu được vì sao những nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp phải “thao thức” để dòng thơ bật mầm; nói được cái phẩm chất vĩnh hằng “chỉ còn tình người đọng lại”. Tôi trân trọng nhà thơ với niềm đam mê, sự say đời, say nghề đã làm nên sự nghiệp. Đọc thơ Hồng Vinh và những bài bình luận, chúng ta hiểu thêm “văn học là nhân học”. Mong thơ Hồng Vinh tiếp tục “bật” nhiều mầm xanh cho cuộc đời này!”

Chị Nguyễn Tuyết Lan, Học Viện Chính trị CAND đánh giá “lời bình của nhà thơ Trần Gia Thái rất lắng, rất sâu, rất chân thành, đậm tình người, tình thơ.”

Còn nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chia sẻ, ông đã dành thời gian để đọc không sót một bài nào về những lời nhận xét trong tuyển chọn thơ Nguyễn Hồng Vinh trên trang thơ Người Làm Báo. Ông chúc mừng thành công ban đầu rất có ý nghĩa trên con đường thơ của Nguyễn Hồng Vinh!

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh dự Hội đồng thẩm định Đề tài khoa học của Bộ Công An

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải nói rằng: Đọc xong bài bình luận Thao thức dòng thơ bật mầm, tôi liên tưởng đến tình bạn tri kỷ Bá Nha – Tử Kỳ. Cảm ơn PGS, TS Nguyễn Thanh Tú đã cảm thơ Hồng Vinh bằng cả trái tim ái mộ và cái đầu tỉnh táo của một nhà phê bình văn học. Giọng thơ thấm đẫm chân tình và ân tình, đó đích thị là thơ Nguyễn Hồng Vinh. Nhịp thơ tự nhiên như nhịp đi của đời sống, không cầu kỳ sắp xếp câu chữ, vần điệu, nhưng cũng không hề dễ dãi vì làm chủ được cảm xúc, tiết chế được thi liệu. Thơ Hồng Vinh giàu màu sắc triết lý về cuộc đời, về con người, nhưng bạn đọc dễ thẩm thấu, thụ cảm vì đó là tiếng lòng của một chính khách, một nhà báo chính luận của báo chí cách mạng có vốn kiến văn và sự trải nghiệm phong phú…

Nhà thơ, GS Bùi Quảng Bạ viết: Tôi tâm đắc với nhận xét của nhà thơ Đặng Huy Giang về cái “tạng” thơ Nguyễn Hồng Vinh. Quả thật, đọc những tập thơ ông viết trong mười năm gần đây, ta thấy rõ những gì ông chắt lọc được từ cuộc sống đời thường, sự nghiệp; những cảm nhận, trải nghiệm về thiên nhiên, xã hội, con người khắp các vùng miền nơi ông đã đến, đã đi qua và luôn nhớ tới, hoài niệm để rồi lắng lại trong thơ. Có lẽ vì vậy, thơ Nguyễn Hồng Vinh có  sự tinh tế, nhanh nhạy của một nhà báo; sự khách quan, sâu sắc đến lạ lùng của một nhà khoa học; sự sắc sảo, triết lý của một nhà phê bình; sự lãng mạn, dung dị của một nhà thơ. Tựu chung lại, cái nền tảng làm nên nét riêng có trong thơ Nguyễn Hồng Vinh chính là chữ Tình: tình yêu quê hương, đất nước, yêu đời, yêu nghề, yêu thơ và cả tình yêu thương con người, tình yêu lứa đôi…

Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định Trần Đức Long chia sẻ: Đọc các bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú và nhà thơ Trần Gia Thái, tôi thực sự xúc động bởi tình đồng nghiệp ,tình người trong đó. Xưa nay tài sắc dễ ganh nhau(!). Thế nhưng, bằng sự trân trọng “tâm phục, khẩu phục “về nhân cách và tài năng, các tác giả đã dành cho thơ Nguyễn Hồng Vinh những tình cảm chân tình, sâu lắng nhất.

Tiến sĩ, nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí CAND cho rằng, sự thống nhất trong tư tưởng nhà thơ và tư tưởng nhà báo Hồng Vinh, đó là phát hiện có giá trị của nhà thơ Trần Gia Thái.

Bên cột mốc chủ quyền biên giới ở Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng (tháng 3/2019)

Nguyên Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân, nhà thơ Hải Đường viết: Tôi đã đọc kĩ ba bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà thơ Trần Gia Thái, PGS. TS Nguyễn Thanh Tú. Bài viết của các anh có sự thống nhất cao: 99 bài thơ được tuyển chọn của Nguyễn Hồng Vinh tiêu biểu cho một chặng đường thơ của một nhà báo, nhà thơ. Các bài thơ trong tập phần lớn là thơ trữ tình, nhưng nhiều bài nghiêng về chính luận, đề cập những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội. Thơ Nguyễn Hồng Vinh giàu cảm xúc, viết giản dị, trường liên tưởng rộng. Những bài viết về quê hương, gia đình, bè bạn rất cảm động, lắng đọng.   Và đúng là thơ hay thì người đọc có thể quên câu, quên chữ, nhưng tình người thì còn mãi.

Nhà báo Lê Hồng Kỳ, Tổng Biên tập báo Hà Nam chia sẻ: Ông vừa nhận được tập thơ. Đọc lời giới thiệu xuất sắc của nhà thơ Đặng Huy Giang đã toát lên được giá trị cốt lõi của tập thơ. Nhà báo Lê Hồng Kỳ rất thích những câu thơ như: “mạch đời đâu dễ đóng băng”, “giọng em phả ấm căn phòng”, “thắm sắc vàng, sáng triền cúc ven sông”;… qua đó, hiểu hơn về chất thơ trữ tình của Hồng Vinh.

Ông Minh Châu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét về bài bình luận của nhà thơ Trần Gia Thái là sâu sắc và mượt mà. Ông đánh giá, người làm thơ đã hay, người tuyển chọn thơ cũng chính xác và người bình thơ cũng rất ngẫu hứng, tài tình! Tất cả tạo ra “bản hòa ca” cuốn hút…

Ông Phan Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Ninh Bình nhận xét có tính tổng quát: Đọc thơ Hồng Vinh, ta cảm nhận được trong con người ông: Cá tính mạnh; tư tưởng xuyên suốt, câu chữ mạch lạc, gần gụi đời thường, nghệ thuật vị nhân sinh; ngôn ngữ thuần khiết, không mầu mè, khoe chữ nhưng người đọc vẫn tự cảm được cái hồn của người viết…

TH