Đôi điều cảm nhận về ca khúc “Nhớ mãi những dòng sông”

Đúng dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Trang thơ Người Làm Báo nhận được bài “Đôi điều cảm nhận về ca khúc “Nhớ mãi những dòng sông”” do nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ thơ Nguyễn Hồng Vinh; ca sĩ Lê Anh Dũng thể hiện. Nhà phê bình văn học Vĩnh Dân với sự liên tưởng sâu sắc về các ca khúc tiêu biểu nói về vẻ đẹp kiêu hãnh của các dòng sông lớn trên đất nước ta qua các thời kỳ lịch sử, đã tập trung phân tích những nét độc đáo về các dòng sông lớn của đất Nam Định, gợi mối liên hệ biện chứng về quá khứ và hiện tại; về truyền thống dân tộc và cuộc sống thời đổi mới; về sức mạnh của âm nhạc, thi ca một khi mang hơi thở nóng hổi cuộc sống đang diễn ra ở vùng đất ngàn năm văn hiến. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Phù sa sông Hồng

Những dòng sông quê hương luôn là đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ, nhà văn. Với tài năng nghệ thuật của họ, mỗi dòng sông đều hiện lên lấp lánh, diệu huyền trong tâm trí người đọc, người nghe. Dòng sông luôn là hình ảnh ấn tượng nhất của mỗi người, nhất là những người con tha hương khi nhớ lại tuổi thơ, nhớ về quê mẹ, bởi “trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình”.

Trong kho tàng đồ sộ của nền âm nhạc Việt Nam, những bài hát đi cùng năm tháng, trong đó có rất nhiều bài về dòng sông.

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, có hai con sông nơi Chiến khu Việt Bắc đã được Văn Cao và Đỗ Nhuận đưa vào âm nhạc và tạo ra những tác phẩm đỉnh cao của nền văn nghệ kháng chiến; đó là Trường ca Sông Lô của Văn Cao và Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận

Năm 1957, Câu hò trên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp đã làm nhói đau hàng triệu trái tim người Việt Nam khi nghe câu hò trên dòng sông giới tuyến chia cắt hai miền đất nước… Rồi, những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trương Quang Lục, người con của quê hương miền Nam đang sống trên miền Bắc, đã ký gửi tâm sự da diết nhớ thương quê hương qua bản tình ca bất hủ về dòng sông Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ). Để ngợi ca những chiến công oai hùng của quân dân Thanh Hoá trong cuộc chiến chống trả những đợt không kích ác liệt của không quân Mỹ, Xuân Giao đã góp phần tạo nên khí phách xứ Thanh bằng Chào Sông Mã anh hùng

Qua cầu Hàm Rồng, ngắm dòng Sông Mã

­Nếu như những năm tháng kháng chiến, hình ảnh con sông quê hương luôn gắn với những chiến công (“…mỗi dòng sông cũng hiển hách chiến công” – Tố Hữu) thì sang hoà bình xây dựng, hình ảnh những dòng sông lại là hình ảnh của cuộc sống thanh bình, tươi mát của cuộc sống mới; và ở thời nào thì sức lôi cuốn, hấp dẫn của những dòng sông vẫn luôn là nỗi da diết, thiết tha tình yêu quê hương, đất nước và hạnh phúc lứa đôi.

Trong nhiều, rất nhiều bài hát về những dòng sông, phải kể đến: Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu (thơ Hoài Vũ); Trở về dòng sông tuổi thơ của Hoàng HiệpKhúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo (thơ Huy Mậu); Dòng sông quê anh, dòng sông quê em của Đoàn Bổng (thơ Lai Vu); Tình yêu trên dòng sông quan họ của Phan Lạc Hoa (thơ Đỗ Trung Lai)… Và mới đây, Hồ Hoàng vừa chào thính giả yêu âm nhạc với ca khúc Nhớ mãi những dòng sông (thơ Hồng Vinh). Với giọng nam trung mượt mà, khoẻ khoắn, ca sỹ Lê Anh Dũng đã cùng nhạc sỹ Hồ Hoàng và nhà thơ Hồng Vinh dẫn thính giả đến với những dòng sông thơ mộng, gắn bó máu thịt với người dân thành phố dệt Nam Định, đó là “Sông Đào như dải lụa mềm/ Chảy ngang qua thành phố dệt”. Nhắc đến những dòng sông chảy dọc ngang qua đất Nam Định, chúng ta không quên những dòng lớn, như sông Ninh Cơ, sông Ngô Đồng, sông Đáy hiền hòa, thơ mộng; đã đi vào bao câu thơ, bài hát, nổi bật là hình ảnh bến đò Quan trong bài hát Qua bến Đò Quan của Nhạc sĩ Thái Cơ với sự thể hiện của NSND Thu Hiền, đã làm bao trái tim người yêu âm nhạc thổn thức với vẻ đẹp vùng sông nước Thành Nam…

Sông Hương thơ mộng

Nhắc đến vùng đồng bằng Bắc bộ, thì ai cũng nhớ về hình ảnh “Sông Hồng cuồn cuộn phù sa”, con sông lớn nhất miền Bắc, phần hạ lưu của nó là đất Nam Định; và chính nó, hàng triệu năm cần mẫn tải phù sa từ thượng nguồn về biển, tạo ra vùng châu thổ lớn nhất miền Bắc nước ta. Nếu chỉ hiểu theo sự biểu đạt đơn thuần của ngôn từ ca khúc này, ta chỉ thấy hiện lên hai dòng sông: Sông Đào và Sông Hồng. Nhưng đằng sau những hình ảnh cụ thể ấy, ta thấy lấp loáng bóng dáng dòng Ninh Cơ với đặc điểm khác biệt của nó “Ninh Cơ uốn lượn hình sin/ Ôm trọn mọi cánh đồng làng” khiến cho các chàng trai một thời vất vả “Thăm em gần nhà xa ngõ/ Phải vượt qua mấy khúc sông”. Rồi con sông Ngô Đồng cũng hiện diện trong câu “Buổi qua Ngô Đồng nhập ngũ”. Sông Ngô Đồng (còn có tên là sông Sò) chảy qua huyện Giao Thủy trước khi ra biển.

Đoàn voi vượt sông tại Tây Nguyên

Hình ảnh những dòng sông quê hương Thành Nam được tác giả vẽ lên với những vẻ đẹp gắn liền với đặc trưng vùng miền, với hình ảnh, lịch sử của thành phố dệt Nam Định “Một thời đạn bom khốc liệt/Vẫn vang tiếng máy thoi đưa”. Chỉ vậy thôi, trường liên tưởng giúp ta hiểu thêm về vùng “đất lúa, đất học” mang hào khí trung dũng, kiên cường suốt chiều dài lịch sử. Đây là mảnh đất đế đô của Vương triều nhà Trần với những chiến công oai hùng vào bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một Vương triều đã biết dựa vào sức mạnh đoàn kết của muôn dân để ba lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông, kẻ xâm lược thiện chiến và hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sang đến “thủa đất nước Hùng Vương có Đảng”, Nam Định lại một lòng theo Đảng; thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thì “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Thời bình thì hăng say lao động để có “Hai bờ xanh ngát lúa, ngô””. Và “Cửa Đáy lung linh bình minh/ Thuyền từ biển về hội tụ/ Chở cá rộn vui trên cát”…

Lời bài hát như những nét chấm phá của người hoạ sĩ về một bức tranh thủy mặc, giữa làn nước cuồn cuộn phù sa của Sông Hồng, xanh trong của Sông Đào và nhiều dòng sông khác, là những miền quê trù phú, yên bình, ngô lúa ngút xanh trong tiết cuối xuân, đầu hạ, tạo nên vẻ đẹp nao lòng:“Đường làng rắc đầy hoa gạo”, một màu đỏ tươi thắm của vùng quê đa sắc, nổi bật trên nền trời xanh, đất xanh, sông xanh. Bên cạnh hình ảnh của làng quê một thời xa ấy, ta cũng thấy thấp thoáng cuộc sống hiện tại đang đổi mới từng ngày qua hình ảnh “Nhịp cầu bê tông soi bóng”. Chừng ấy thôi cũng đủ để người nghe cảm nhận được sức vươn mình của người dân vùng đất lúa trong những tháng năm theo Đảng dựng xây đời sống mới; cũng vì thế nên Nam Định đã xây dựng được những mô hình điển hình về đời sống văn hóa ở nông thôn mới, mà tiêu biểu là Huyện văn hóa đầu tiên và tiêu biểu nhất cả nước – huyện văn hóa Hải Hậu!

Tại Bến Nhà Rồng trên sông Sài Gòn 

Ca khúc Nhớ mãi những dòng sông không chỉ đem đến cho người nghe sự thưởng thức vẻ đẹp của những dòng sông, những làng quê, mà còn giúp người nghe tìm thấy một bài học nhân sinh về những giá trị tinh thần, mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa người đi xa và người ở lại xây dựng quê hương… “Buổi qua Ngô Đồng nhập ngũ/ Ngày về được gặp lại em” là lối sống, là ý chí một thời của những đấng nam nhi khi “quốc gia hữu sự”, họ biết gác lại hạnh phúc riêng để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; khi đến buổi khải hoàn, họ mới nghĩ đến hạnh phúc cá nhân mình…

Một cách xa xôi, nhẹ nhàng, nhưng khiến những người lãnh đạo phải suy tư về trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống hiện đại với việc bảo tồn những giá trị của bản sắc văn hóa quê hương trong công cuộc đổi mới. Khi đời sống tiến lên hiện đại (qua hình ảnh “Nhịp cầu bê tông soi bóng”) thì những giá trị bản sắc của quê hương vùng biển sẽ được lưu giữ, phát triển ra sao (“Thay sao số phận con thuyền”)?!

Trù phú sông Cửu Long

Khi thưởng thức ca khúc Nhớ mãi những dòng sông, người nghe cũng được tiếp nhận một giá trị nhân văn sâu sắc nữa, đó là tình cảm gắn bó thiết tha của những người con xa quê, trong tâm thức họ lúc nào cũng đau đáu nhớ về những dòng sông, nhớ về quê hương, nơi một thời đã xa “mẹ ta đã chôn nhúm rau của ta thủa ta mới lọt lòng”, mẹ cũng đã tiễn ta ra đi khi “đất nước đang rung lên trong đạn bom chúng nó”. Để có ngày hôm nay sống trong hòa bình, quê hương luôn là những tấm phao cứu sinh cho những người con tha hương giúp họ trụ vững trong cuộc mưu sinh không ít gian khó: “Dù ở chân trời góc biển/ Vẫn mang tiếng sóng dòng sông/ Quê hương thảo thơm tình nghĩa/ Giúp ta trụ vững dặm trường”

Bài hát khép lại bằng câu kết trên đây, giúp công chúng yêu âm nhạc nhớ câu kết trong bài Quê hương của Giáp Văn Thạch: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”. Mỗi tác giả có cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều chạm đến trái tim người nghe bởi mỗi dòng, mỗi chữ đều hàm chứa điều máu thịt nhất. Chính vì vậy, dư âm ca khúc “Nhớ mãi những dòng sông” sẽ vang ngân mãi trong trái tim những người con xa quê, dù ở đâu, dù lứa tuổi nào luôn canh cánh trong lòng tiếng vọng Thành Nam!

Vĩnh Dân

Tháng 8/2021