Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo: Uy linh và thanh tịnh

Sau bao năm, bao đời tâm nguyện, bây giờ người dân làng Dứa và cả xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mới thật viên mãn với nơi thờ tự xứng tầm công đức người hiền tài. Đó là Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Ngôi đền ngự nơi đắc địa, toát lên dáng vẻ uy linh, thanh tịnh, kết hội bởi tâm đức tri ân và niềm tự hào của lớp lớp hậu duệ và những người con quê hương.

Gian truân thời bút nghiên

5 thế kỷ đã trôi qua nhưng những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Văn Bảo dường như vẫn còn nguyên vẹn trong gia phả và ký ức dân gian vùng quê này. Sau đằng đẵng mong chờ vì hiếm muộn, mùa xuân năm Giáp Thân 1524, ông Trần Công và bà Trần Thị Từ Huệ ở làng Cổ Chử, trấn Sơn Nam (nay là làng Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mới sinh thành được quý tử Trần Văn Bảo. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, quý tử đã được “bà mụ” phú cho những nét khác người. Tiếng khóc chào đời của cậu chẳng ré lên như trẻ khác. Cậu khóc mà như cười, ánh mắt long lanh, làm khuôn mặt sơ sinh đã ngời lên vẻ thông thái. Những cứ tưởng quý tử “sướng từ trong trứng sướng ra”, nhưng không-thân phụ đột ngột qua đời vì cơn bạo bệnh. Trần Văn Bảo và người em phải mồ côi cha từ bé. Gia cảnh mẹ góa, con côi, éo le, cùng cực đeo đẳng 3 mẹ con từ đó. Tuổi thơ của Trần Văn Bảo song hành với đói rét, nhưng luôn cập kề bút nghiên. Thời ấy, chốn Sơn Nam còn là sinh lầy ven biển. Ban ngày người mẹ tần tảo “buôn thúng bán mẹt”, đêm đêm lại ngóng chờ nước xuống mau để ra bãi bồi mò cá, bắt cáy, bắt tôm đem bán, gom nhặt từng hào nuôi con ăn học.

Nhiều câu chuyện, nhiều di tích vẫn lưu lại dấu xưa của người hiền tài. Ông Trần Ngọc Hiền và Trần Đình Kim (đều là hậu duệ đời thứ 13 của Trạng nguyên), kể về tiền nhân thật tự hào, xen cả những ngậm ngùi. Bà Đỗ Đình Tùy, người hương khói chùa Vai (làng Đỗ Xá, xã Điền Xá, huyện Nam Trực), kể chuyện thời học trò của Trạng nguyên theo sắc phong và truyền miệng mà sống động.

Rằng, vì chăm ngoan, lại sáng dạ nên học trò Trần Văn Bảo luôn được thầy yêu, còn chúng bạn thì đứa mến, đứa ghét. Những đứa ghét thì chủ yếu là con nhà giàu có, quyền quý, chúng thường răn đe, kìm hãm việc học hành của Trần Văn Bảo.

Một hôm trên đường đi học, Trần Văn Bảo bị một toán con nhà giàu chặn lại. Cậu ấm “đầu đàn” gây sự: “Mày học ít thôi, không chúng tao bị vạ lây, bị thầy mẹ cho ăn đòn là do thua mày đấy!”. Nghe vậy, Trần Văn Bảo đáp lại: “Các cụ nói rằng “yêu thì cho vọt, cho roi; ghét thì ban mật, ban đường” đó thôi! Thầy mẹ các đằng ấy cho đòn là thương yêu đấy!”.

Nghe thế, các cậu ấm tức sôi lên và rất tinh quái “chộp” ngay “cái yêu” xông tới Trần Văn Bảo, miệng thì khoái trí “yêu à”; “cho yêu này”; “quả này mới đáng yêu hơn”… còn chân tay thì đấm đá túi bụi cậu học trò vô tội. Có cậu ấm không tham gia “đánh hội đồng”, nhưng thâm hiểm, xé nát sách vở của Trần Văn Bảo rồi tung lên trời như đàn bướm bay; bút, nghiên thì quẳng tõm xuống ngòi. Bị đánh vô cớ, bất ngờ nhưng Trần Văn Bảo không hề đánh lại, chỉ khôn khéo né đòn, vì nghĩ mình đã “hớ hênh”, nên bạn xấu đã vận cớ để đánh đòn như thế. Sau việc ấy, hội con nhà giàu thật hả hê. Còn Trần Văn Bảo lầm lũi lội xuống ngòi mò nghiên, mò bút, trong cái lạnh buốt căm căm đầu tháng Chạp. Giữa lúc đó, có một cụ bà đi qua, thấy cậu bé mò mẫm dưới ngòi trong giá lạnh, lại đúng cữ con nước dâng cao, thì bà sinh nghi, liền lội xuống kéo cậu bé lên, hỏi han sự tình. Kể cho bà nghe chuyện dữ, lúc này Trần Văn Bảo mới nức nở khóc. Cậu khóc không phải vì đau, không phải vì đói, vì rét mà vì sách vở bị bạn xấu xé nát; bút, nghiên bị quẳng xuống ngòi và mất luôn cả buổi học.

Nghe chuyện vừa xảy ra, chuyện gia cảnh của học trò Trần Văn Bảo, bà thương cảm lắm, rồi ra ngay chợ làng sắm quần áo, bút, nghiên, sách vở cho cậu. Cũng từ đó, bà nhận Trần Văn Bảo làm con nuôi, mà chăm bẵm như chính tình mẫu tử. Cụ bà nhân hậu, người mẹ nuôi của Trần Văn Bảo là Lưu Thị Thế, người làng Đỗ Xá. Vì có công cưu mang, nuôi dưỡng Trần Văn Bảo thành tài, cụ được vua ban sắc phong, với danh trọng Lưu Thị Thế Tổ. Cụ cũng chính là người khởi dựng chùa Vai hiện còn cho đến ngày nay.

Tâm đức người hiền tài

Được hai người mẹ dưỡng dục, việc học hành của Trần Văn Bảo vơi đi những thiếu thốn để quyết chí theo đuổi con đường khoa bảng. Khoa thi năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550), đời Mạc Phúc Nguyên, Trần Văn Bảo đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ, cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) năm đó ông mới 27 tuổi. Tìm được người hiền tài, vương triều Mạc đã trọng dụng Trạng nguyên Trần Văn Bảo về kinh đô làm quan. Năm 1578, ông được nhà vua thăng chức Thượng thư Bộ hình, năm 1582 thăng chức Thượng thư Bộ lại (chức quan trọng nhất trong triều).

Hơn 30 năm làm quan trong triều, ông đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ để phụng sự triều đình, luôn trung quân, ái quốc, trọng dân. Ông đã nhiều lần dâng sớ lên vua, toàn là những việc quốc gia đại sự, đều vì nước, vì dân. Sớ về đê điều, trị thủy; về ngoại giao; về an dân; về giáo dục, bồi dưỡng-trọng dụng nhân tài… có lẽ được “manh nha khởi thảo” từ thuở học trò. Từ những đêm ông cùng mẹ ngóng cho con nước xuống mau để ra đìa bắt cá tôm; những chiều nhìn mẹ ngồi khóc vì lúa sắp gặt mà lụt về chỉ còn nước trắng băng… Cả nữa, về lời nói “hớ hênh” thời học trò mà bị đòn oan. Nếu hôm đó lựa lời, khôn khéo hơn thì tránh được vụ hành hung vô cớ, không mất sách vở, bút nghiên. Có lẽ, từ bài học ấy mà ông đã trau rèn sự tinh tế, nhạy cảm. Có lẽ, sự thông thái, lịch lãm mà kín kẽ của ông, mà triều đình đã tin tưởng hai lần phái đi sứ ở các vương triều Trung Hoa.

Khi nghiên cứu về gia cảnh, học luyện, tài năng, cống hiến… của Trạng nguyên Trần Văn Bảo mà trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú đã dành cho ông sự đánh giá thích đáng, tựu lại là-sự học, thành tài, sự uyên bác, cống hiến… của Trạng nguyên Trần Văn Bảo tựa như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cuối đời Vua Mạc Mậu Hợp, nhà vua và nhiều quan lớn triều đình chỉ mải ham vui, hưởng lạc, không quan tâm đến việc triều chính, an dân. Đặc biệt, lĩnh vực “quốc sách” là giáo dục, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài bị lãng quên. Trước nguy cơ triều đại bị “hổng móng”, Trạng nguyên Trần Văn Bảo nhiều lần khẩn sớ tới nhà vua về những vấn đề nguy cấp, nhằm “giữ móng” cho triều đại. Thế nhưng, ông tấu mà nhà vua không thấu; ông trình mà nhà vua không duyệt. Trước tình cảnh đó, Thượng thư Trần Văn Bảo bất lực, không còn thiết tha với Triều đình nhà Mạc, nên đã “cởi áo từ quan”. Ông về ở ẩn tại làng Phù Tải (nay thuộc thôn Dải Đông, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) để dạy học, bày cho dân cách làm ăn, cho đến khi tạ thế vào năm 1610.

Noi gương, theo con đường khoa bảng của ông, người em trai là Trần Văn Hòa và người con cả là Trần Đình Huyên cũng luôn trọng sự học, cũng đều đỗ đạt bậc Tiến sĩ, giữ các trọng trách trong triều, đều chuyên tâm vì nước, vì dân. Truyền thống quý báu, danh tiếng sáng ngời này đã được các nhà nho tạc ghi qua những câu đối và trong gia phả họ Trần “Đồng bảng, đồng triều, nhất giáp đỉnh nguyên tam tiến sĩ/ Bái tiền, bái hậu, cửu trùng, phượng các tứ long xuyên”.

Tâm nguyện, lòng thành tri ân

Tự hào là quê hương của 3 tiến sĩ, 3 quan thanh liêm, con cháu hậu duệ họ Trần ở các miền đất nước và các dòng họ ở xã Hồng Quang được thừa hưởng hồng phúc, noi gương những bậc hiền tài mà học hành, tu rèn, thành đạt, thành danh. Nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và các cấp, bộ, ngành, các nhà doanh nghiệp, nghệ nhân, nhà vô địch thể thao cấp quốc gia…

Sau khi Trạng nguyên Trần Văn Bảo tạ thế, người dân làng Dứa đã dựng đền, thờ phụng cụ. Nhưng do thời gian, mưa nắng và chiến tranh, ngôi đền đã hoàn toàn bị hư hỏng. Với đạo lý tri ân, xã Hồng Quang đã tiến hành phục dựng ngôi đền. Đầu năm 2021, công trình vào giai đoạn hoàn thiện. Theo ông Phan Văn Cử, Trưởng ban kiến thiết đền, việc phục dựng đền được các cấp và nhân dân làng, xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Cùng với cán bộ, nhân dân trong xã, hội đồng hương huyện Nam Trực ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã phát huy thế mạnh, tình cảm của các thành viên vào phục dựng đền thờ. Những người con của xã Hồng Quang hiện đang sống, làm việc xa quê với tâm đức, lòng thành đã hướng về công trình với những việc làm thật ý nghĩa và thiết thực, cả về vật chất và tinh thần.

Từ một vùng quê nghèo, gia cảnh éo le, bần hàn, Trạng nguyên Trần Văn Bảo từ hiếu học, siêng luyện mà thành người hiền tài, ghi danh vào lịch sử khoa bảng Việt Nam, có đóng góp tích cực ở nhiều lĩnh vực đại sự quốc gia thời nhà Mạc. Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo hoàn thành là chung đúc từ niềm tự hào, đức tri ân của con cháu hậu duệ, của cán bộ, nhân dân địa phương trong xã, trong huyện, của những người con Nam Trực xa quê ở các miền đất nước. Ngôi đền mang kiểu dáng truyền thống, hội đủ các yếu tố: Lịch sử, tâm linh, kiến trúc, thẩm mỹ, phong thủy, khuyến học… Đặc biệt, cả trong và ngoài đền, cả việc cung tiến và tổ chức xây dựng đều toát lên sự linh ấm và thanh tịnh, đúng như tâm tính, đức độ của bậc hiền tài, như áng tạc trên bức hoành phi trong đền “Vạn cổ anh linh”.

Tô Thành Tuyên