Chuyện về một vị tướng khiêm nhường: Kỳ 1: Cách mạng – Trường học lớn

Dù nhiều lần được trò chuyện với Trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội về chuyện đời, chuyện thời cuộc, nhưng khi tôi khéo léo gợi ý ông “bật mí” về những điều tâm đắc nhất trong cuộc đời của người cán bộ lão thành tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông chỉ nở nụ cười đôn hậu: “Mình chỉ là hạt cát trong biển người làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có nhiều tấm gương sáng, Vinh nên gặp họ để nghe và viết nhé!”. Rồi ông kể cho tôi họ và tên một số người cần gặp. Vậy là “quá tam ba bận”, tôi đành phải “đi đường vòng”.

Và thật may mắn, ngày 19/5/2022 vừa qua, tôi được hòa cùng dòng người mang hoa đến chúc mừng ông nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Sau hôm đó, tôi được trò chuyện với một số vị tướng hoạt động cùng thời với ông; và gặp bạn bè của ông – những người hiểu tường tận về quá trình tham gia cách mạng cùng những chuyện gia đình, quê hương tình sâu nghĩa nặng của vị tướng lão luyện.

Suốt mấy tháng qua, trong đầu óc tôi tự nhiên cứ mường tượng về một cuốn phim “quay chậm”, tóm lược chặng đường đầy gian lao mà rất đỗi tự hào của người cán bộ lão thành, năm nay sang tuổi 95. Tôi xin phép “trích đoạn” cuốn phim hiện lên trong tâm trí tôi: Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Khi cha lên Hà Nội dạy học, ông theo cha và vào học tiếp trường tiểu học; năm 1941 thi đỗ vào trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay). Tại đây, ông được giác ngộ cách mạng và hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh.

Tháng 8/1945, ông là thành viên tích cực tham gia vận động các tầng lớp nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại nước ta với dã tâm đặt ách thống trị ở Việt Nam một lần nữa. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông hăm hở nhập đoàn quân Nam tiến, là thành viên trong “Chi đội Vi dân” vào chiến đấu ở mặt trận Buôn Ma Thuột vào tháng 11/1945, làm Chính trị viên đại đội.

Năm 1946, Chi đội ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ở đây tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sau đó, trong một trận chiến đấu, ông bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, ông nhận công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc… Cuối 1953, ông nhận nhiệm vụ ở Ban tác chiến Chiến dịch của Bộ Quốc Phòng. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ông cùng đồng đội góp sức vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, các vị trí công tác của ông liên tục thay đổi do yêu cầu của Đảng. Năm 1964, ông đang học năm thứ 3 đại học quân sự ở Liên Xô, thì nhận lệnh về nước vào Nam chiến đấu theo đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, nhưng mới đến Bến Tre phải quay ra Bắc vì địch đang mở chiến dịch càn quét gắt gao.

Đầu năm 1965, ông lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ gần 10 năm, được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”. Đầu năm 1977 nổ ra chiến tranh biên giới Tây – Nam, trên cương vị là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Hóa học, ông được điều vào Bộ Chỉ huy tiền phương, tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới nước ta. Năm 1979, ông bị thương lần thứ hai. Tháng 3/1986, ông nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 2, trực tiếp làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang; đến năm 1987 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 2. Ông là đại biểu Quốc hội 3 khoá liên tục (từ khóa VIII đến khóa X). Tại kỳ họp Quốc hội khoá IX, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội. Năm 2002, ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam…

Vậy là, một hành trình cách mạng gần 70 năm đầy sôi động của ông gắn chặt với sự thăng trầm của đất nước, vượt qua bao vất vả hiểm nguy, nhưng với ý chí dũng cảm, sáng tạo, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhận Huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta cùng nhiều huân, huy chương các loại…

Trong các tư liệu về ông, tôi tâm đắc nhiều mốc sự kiện, nhiều công việc có ý nghĩa lớn lao, mà đến nay tôi và nhiều người mới biết. Trước hết là việc ra tờ báo Quân sự tập san, sau đổi thành Quân Chính tập san – tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay. Ông được trao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Biên tập Quân sự tập san vào tháng 4/1948. Trong danh sách Hội đồng biên tập Tập san có đồng chí Hoàng Minh Thảo và một số cán bộ biên tập khác. Thật vinh dự, khi Quân sự tập san xuất bản số tháng 4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư thăm hỏi cán bộ, phóng viên Tập san. Trong thư, có đoạn Bác Hồ căn dặn:

“Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Còn những người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, đơn giản mà rõ ràng. Chào thân ái và quyết thắng- HỒ CHÍ MINH”.

Tôi đọc bút tích nêu trên, cảm thấy vừa vui, vừa ân hận, vì với tư cách là nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa VII, tôi và Ban Lãnh đạo Hội lúc đó đã bỏ sót một Nhà báo lão thành của giới Báo chí Cách mạng Việt Nam!

Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, lần đầu tiên các đồng chí Trực ban tác chiến do đồng chí Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng chiến dịch trực tiếp báo cáo với Bác Hồ, ông và các đồng chí đã làm việc ngày đêm để phục vụ cuộc làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái với Bác. Chiến dịch thắng lợi, Bác viết thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, cuối thư Bác viết: “Bác thưởng cho các cháu một bữa thịt bò”, sau đó giao cho Trực ban tác chiến là ông chuyển ngay thư xuống các đơn vị.

Trong đời, ông còn lưu giữ một trong những bức ảnh quý giá – đó là tấm ảnh ông cùng mấy cán bộ trong Ban tác chiến đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng quan sát chiến dịch và báo cáo tình hình các mặt để Đại tướng nghiên cứu trước khi đưa ra các quyết định chuẩn xác.

Một giai đoạn cách mạng mới mở ra đối với ông là đầu năm 1965, ông cùng một nhóm cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn, không quản đèo cao, suối sâu, mưa rừng, cơm vắt, pháo súng và đạn bom từ máy bay Mỹ ào ạt dội xuống hòng chặn đường tiến quân của bộ đội ta, ông và đồng đội đã tới mặt trận B2. Không kịp nghỉ ngơi dưỡng sức, ông vui vẻ triển khai ngay nhiệm vụ vừa được cấp trên bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hóa học của Miền. Đơn vị ông có chức năng nghiên cứu âm mưu của đội quân Mỹ sử dụng vũ khí hóa học, kể cả chất độc da cam và chất độc CS để lên kế hoạch đối phó. Vừa nghiên cứu, vừa sản xuất các mặt nạ và bao tiêu độc cá nhân để phát cho các đơn vị bộ đội, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu đẩy lùi các đợt tiến công của địch, mà nổi bật nhất là tham gia đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xiti của Mỹ vào năm 1967. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Nam Bộ.

Sau Hiệp định Paris được ký kết, hoà bình được lặp lại trên miền Bắc, ông vinh dự được cấp trên cử đi phục vụ Đoàn lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái, Võ Văn Kiệt ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị về tình hình ở chiến trường miền Nam.

Ông đã từng được giao nhiệm vụ chỉ huy một số trận chiến trên từng cương vị cụ thể, nhưng lần này nhận nhiệm vụ Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên Quân khu 2, thì thật sự là một cuộc chiến thử sức vóc, trí tuệ, bản lĩnh của vị tướng chỉ huy trước đối phương người nhiều, đạn lắm, thực hiện lối đánh không theo quy luật, ngày và đêm liên tục dội đạn pháo sang các vị trí chiến lược của ta.

Kế thừa kinh nghiệm của các Tư lệnh trước đó, như các đồng chí Nguyễn Hữu An, Lê Duy Mật, ông cùng Bộ tham mưu trăn trở ngày đêm tìm ra nhiều biện pháp chống trả có hiệu quả. Mệnh lệnh Tổ quốc cũng là mệnh lệnh của trái tim ông: hãy giữ vững từng tấc đất thiêng, hãy sáng tạo cách đánh phù hợp nhằm giảm thiểu cao nhất sự hy sinh của người lính!

Chưa bao giờ sự khốc liệt của chiến tranh lại diễn ra thường xuyên như ở nơi đây, chưa bao giờ núi đá luôn như lò vôi nóng vì đạn pháo, đã cướp đi không ít đồng đội, có lần trận chiến chỉ diễn ra sau 1 giờ. Cái nóng của lửa đạn cùng cái nóng hầm hập của mùa hè đỏ lửa, làm cho cổ họng người lính cũng nóng theo vì cái khát khô bởi thiếu từng giọt nước. Sau mỗi cuộc thử lửa, ông thân chinh xuống tận từng sư đoàn, lên từng mỏm đồi quan sát trận địa, rồi cùng bàn thảo với lãnh đạo từng đơn vị, rút kinh nghiệm về trận đánh đã qua. Nước mắt ông chảy dài khi nhìn thấy trên báng súng của một số chiến sĩ và trên vách đá khắc những dòng chữ khích lệ lòng yêu nước, sự quả cảm của người lính trên trận địa Vị Xuyên: SỐNG BÁM ĐÁ – ĐÁNH GIẶC, CHẾT HÓA ĐÁ – BẤT TỬ. Ông xúc động và thầm cảm ơn họ bởi ý chí quyết tử này đã truyền thêm sự vững vàng và nhuệ khí cùng bản lĩnh thép của người chỉ huy trận mạc.

Trụ vững cuộc chiến đấu ròng rã 10 năm (từ 1979 đến 1989), ông và các thế hệ chỉ huy mặt trận này, tóc thêm nhiều sợi bạc, nước mắt đã cạn khô, nhưng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn luôn bừng cháy trong tâm. Không có hạnh phúc nào lớn hơn khi quân và dân ta đồng lòng hiệp lực, khi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thấm sâu vào từng người vùng biên, khi nghệ thuật quân sự của cha anh đã được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới. Nhờ vậy, chúng ta đã bảo vệ vững chắc biên giới vào cuối năm 1986, đầu năm 1987 ở mặt trận Vị Xuyên; và cuộc chiến đã im tiếng súng ở Hà Giang và biên giới vào đầu năm 1989! Nhịp sống ở biên giới phía bắc được trở lại bình thường.

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh