Các làng khoa bảng ở Xuân Trường

Xuân Trường là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số lượng người đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến. Trên vùng đất khoa cử này, từ lâu việc học hành được người dân coi trọng, trở thành truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ, làng xã. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao “nhân kiệt” qua các triều đại, tập trung nhiều dưới triều Nguyễn.
Khen thưởng cho con em có thành tích học tập xuất sắc trong dòng họ Phạm gốc Mạc (xã Xuân Kiên).
Khen thưởng cho con em có thành tích học tập xuất sắc trong dòng họ Phạm gốc Mạc (xã Xuân Kiên).

Kể từ khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta (năm 1075) đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi niên hiệu Khải Ðịnh thứ 4 (1919), huyện Xuân Trường có 9 người đỗ Ðại khoa; trong đó Ðệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là danh hiệu cao nhất của sĩ tử quê hương đạt được. Xã Xuân Trung có nhiều dòng họ hiếu học. Tiêu biểu như các dòng họ: Trần, Phan, Hoàng, Lưu, Bùi, Ðỗ, Vũ, Nguyễn… Dòng họ Trần (xóm Ðông Nhuệ) có ông Trần Thường 3 lần thi đỗ Tú tài dưới thời Gia Long. Ông làm quan giám học đến vị Giáo thụ. Con ông là Trần Hinh đỗ Tú tài khoa Nhâm Dần (Thiệu Trị 1842) lúc 21 tuổi. Dòng họ Trần (xóm Ðoài Dũng) có ông Trần Ngọc Liễn 3 lần thi đỗ Tú tài dưới thời Tự Ðức. Khoa Giáp Thân (Kiến Phúc 1884) ông đỗ Cử nhân. Là người “học sâu hiểu rộng” nên học trò của ông phần lớn là người thành đạt. Trần Công Tuấn – con cả Văn cung sử sĩ Trần Soạn đỗ Tú tài khoa Mậu Thìn (Tự Ðức 1868). Con cả ông là Khắc Khuyến đỗ Tú tài khoa Giáp Thân (1884). Năm Ðồng Khánh (Bính Tuất 1886) làm Tiên chỉ thôn Trung. Dòng họ Phạm có ông Phạm Ðức Uy đỗ Tú tài khoa Ðinh Dậu (Thành Thái 1897). Dòng họ Bùi (thôn Bắc) trước chưa có khoa cử, đến thời Tự Ðức có các ông: Bùi Công Phái (xóm Ðường Nhất Nội) đỗ Tú tài khoa Tân Dậu; Bùi Văn Tiền đỗ Cử nhân khoa Giáp Tuất. Năm Tân Mão thời Lê Cảnh Hưng, dòng họ Lê có ông Lê Phi Hiển, hiệu Giai Mô (xóm Ðông Biên) đỗ Sinh đồ năm 16 tuổi. Ngoài ra, ở địa phương còn các có các ông: Trần Nghị đỗ Tú tài khoa Canh Thìn; Trần Nguyên đỗ Sinh đồ thời Minh Mệnh (1820), làm Tri huyện Vĩnh Tuy – Thăng Long; Trần Trác, tự Hán Chương – con ông Bát phẩm thư lại Trần Công Thuần đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất (Ðồng Khánh 1886), giữ chức Tri phủ Ứng Hoà – phủ Vân Ðình, nổi tiếng là vị làm quan thanh liêm… Xã Xuân Trung có ông Phan Chính Tín phát khoa đỗ Hương cống dưới thời Tiền Lê. Cháu 3 đời của ông là Phan Ðình Tuấn cũng đỗ Hương cống, làm quan đến chức Tả hiệu uý An Sơn hầu. Năm Quang Trung, thời Tây Sơn, dòng họ Phan có ông Phan Ðăng Ðệ đỗ Thủ khoa, làm Tri huyện Thiên Phúc (Phú Xuyên, Hà Ðông). Ðến thời Tự Ðức có ông Phan Cân đỗ Phó bảng; Ðỗ Hinh đỗ Hương cống… Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng nổi tiếng là vùng đất học của cả nước và được các triều vua vinh danh là “Làng khoa bảng”. Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919), làng Hành Thiện có 352 người từ đỗ Tú tài đến Tiến sĩ. Thời  Pháp thuộc, làng Hành Thiện lại có thêm 51 người đỗ Tú tài và Cử nhân. Theo cuốn “Hành Thiện xã chí” thì trong 42 khoa thi tổ chức ở Trường thi Nam Ðịnh (thế kỷ XVIII-XIX), khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ Cử nhân hoặc Tú tài, với tổng số 87 Cử nhân và hơn 200 Tú tài. Dưới thời Nguyễn, làng có số người khoa mục đứng đầu toàn quốc với 3 Tiến sĩ gồm: Ðặng Xuân Bảng (đỗ năm 1856), Nguyễn Ngọc Liên, Ðặng Hữu Dương (đỗ năm 1889); 4 Phó bảng: Ðặng Kim Toán (đỗ năm 1848), Ðặng Ðức Dịch (đỗ năm 1849), Nguyễn Âu Chuyên (đỗ năm 1884), Phạm Ðình Sắc (đỗ năm 1901). Ở xã Xuân Hồng, họ Ðặng là dòng họ lớn, có 3 ngành (chi): Ðặng Xuân, Ðặng Ðức và Ðặng Vũ; trong đó dòng họ Ðặng Xuân có nhiều người đỗ đạt, thành danh hơn cả. Người đỗ khoa bảng đầu tiên là Ðặng Xuân Bảng (sinh năm 1828), là ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Thuở nhỏ ông đã rất hiếu học và thông minh. Ông đỗ Tú tài kép khoa Bính Ngọ (1846) và Mậu Thân (1848). Ðến khoa Canh Tuất (1850) ông đỗ Cử nhân. Ðến khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Tự Ðức thứ 9 (1856), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Năm 1861 Ðặng Xuân Bảng giữ chức quyền Tri Phủ Thọ Xuân, rồi Tri Phủ Yên Bình (Thanh Hoá). Năm 1864, ông làm Án sát tỉnh Quảng Yên, tiếp đến là làm Giáo thụ Phủ Ninh Giang (Hải Dương). Năm 1870, ông được phong chức Tuần Phủ Hưng Yên; đến tháng 6-1872 nhậm chức Tuần Phủ Hải Dương… Kế thừa tài năng, nhân cách của Tiến sĩ – Tuần phủ Ðặng Xuân Bảng, các thế hệ tiếp nối trong gia tộc họ Ðặng Xuân như: Ðặng Xuân Thiều, Ðặng Xuân Viện, Ðặng Xuân Mậu, Ðặng Quốc Bảo, Ðặng Xuân Kỳ… đã trở thành những trí thức, nhà văn hoá, cách mạng và quân sự danh tiếng, có nhiều đóng góp cho dân tộc và đất nước. Ðặc biệt cháu nội ông là Ðặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (1907-1988) đã trở thành lãnh tụ của Ðảng và Nhà nước, từng giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư BCH Trung ương Ðảng.

Là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao nên nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống quan chức của triều đình phong kiến từ Trung ương tới địa phương có người quê Xuân trường nắm giữ. Số dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Xuân Trường chiếm số lượng lớn như: họ Ðặng, họ Nguyễn, họ Phạm… Như mạch nguồn chảy mãi, các con cháu đời sau trong các làng, dòng họ khoa bảng vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng hiếu học của quê hương. Dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng (Thị trấn Xuân Trường) có 3 cụ trong dòng họ đỗ Tú tài, trong đó có cụ Hoàng Thọ Mục làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Ðịnh. Từ năm 1954 trở lại đây, dòng họ thành đạt rực rỡ về khoa cử với 22 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân, đặc biệt đã “phổ cập” tốt nghiệp THPT cho con em trong dòng họ. Từ lâu, các bậc cao niên trong dòng họ đã luôn giáo dục cho các thế hệ sau lòng tự tôn dòng họ và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Hằng năm, vào ngày giỗ tổ, dòng họ đều tổ chức họp mặt để ôn lại công đức của tổ tiên, giáo dục, khuyến khích mọi người làm việc tốt, chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, giúp đỡ lẫn nhau… Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được dòng họ quan tâm thực hiện nhằm động viên, khuyến khích, giáo dục, tạo điều kiện cho con em trong dòng họ học hành. Tất cả các con cháu trong dòng họ ở độ tuổi đi học đều được đến trường, không có học sinh bỏ học. Các thành viên trong dòng họ đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức, đồng thời tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ở các dòng họ khuyến học: Bùi, Vũ, Phạm, Ðinh… (xã Xuân Kiên), vào đầu năm học, các chi hội khuyến học tổ chức thăm, tặng quà cho các cháu là con gia đình chính sách của dòng họ và các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng thời vận động con, cháu đã thành đạt, đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi miền đất nước đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học, để động viên con cháu trong dòng họ học hành tiến bộ. Từ đóng góp của con em trong dòng họ, nhiều chi hội có số quỹ cao, thường xuyên tổ chức động viên, khen thưởng cho học sinh vào các dịp Tết và dịp trước năm học mới. Công tác khuyến học, khuyến tài được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”, “Thôn làng khuyến học”… Hằng năm, các dòng họ có từ 70-85% con em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, xuất sắc; tỷ lệ học sinh THCS thi đỗ vào THPT đạt 100%, mỗi năm có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học.

Hiện nay các làng khoa bảng có di tích thờ danh nhân văn hóa quê hương đã phát huy giá trị di tích góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ở các từ đường họ tộc được xếp hạng di tích, tiêu biểu như từ đường các dòng họ: Ngô (xã Thọ Nghiệp), Phan (xã Xuân Phương), Nguyễn (xã Xuân Châu), Phạm (xã Xuân Kiên)…, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, lễ kỵ tổ, các dòng họ, ở địa phương thường tổ chức dâng hương đã thể hiện nghĩa tình và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu. Hằng năm, tại các di tích thường diễn ra các dịp giỗ tổ, là những danh nhân văn hoá trong họ tộc. Trong ngày này, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất, tôn vinh công lao to lớn của các vị đại khoa có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước. Giá trị văn hoá truyền thống trong các làng khoa bảng ở huyện Xuân Trường luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần xây dựng xã hội học tập hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng